điểm quyết định thường ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống các xã hội, theo
kiểu như quá trình thuộc địa hóa rồi tiếp đến là phong trào giành độc lập đã
ảnh hưởng đến phần lớn quả địa cầu.
Những thời điểm đó quan trọng bởi vì tồn tại những rào cản khổng lồ,
vốn là kết quả của sự hòa hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thể chế chính trị
và kinh tế chiếm đoạt, chống lại những cải thiện có tính tiệm tiến. Sự tồn
tại dai dẳng của vòng lặp phản hồi này tạo ra một vòng xoáy đi xuống.
Những người hưởng lợi từ nguyên trạng là những người giàu có và được tổ
chức tốt, họ có thể đấu tranh hữu hiệu chống lại những thay đổi lớn làm
mất đi đặc quyền kinh tế và thế lực chính trị của họ.
Một khi thời điểm quyết định đã đến, những khác biệt nhỏ nhặt có ý
nghĩa là những khác biệt thể chế ban đầu có khả năng kích động những
phản hồi hết sức khác nhau. Đó là lý do khiến sự khác biệt thể chế tương
đối nhỏ nhặt ở Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã dẫn đến những lộ trình phát
triển khác nhau một cách cơ bản. Các lộ trình phát triển này đã hình thành
từ thời điểm quyết định được tạo ra bởi các cơ hội kinh tế dành cho người
châu Âu thông qua hoạt động thương mại Đại Tây Dương.
Thậm chí nếu những khác biệt thể chế nhỏ nhặt cũng trở thành hết sức
quan trọng vào những thời điểm quyết định, và không phải mọi khác biệt
thể chế đều nhỏ, thì lẽ tự nhiên, những khác biệt thể chế lớn hơn sẽ dẫn đến
những diễn biến càng phân hóa hơn vào những thời điểm quyết định như
vậy. Trong khi sự khác biệt thể chế giữa Anh và Pháp chỉ là nhỏ nhặt vào
năm 1588, sự khác biệt giữa Tây Âu và Đông Âu thì to lớn hơn nhiều. Ở
Tây Âu, các nhà nước tập quyền hùng mạnh như Anh, Pháp và Tây Ban
Nha đã có các thể chế hiến pháp tiềm tàng (Quốc hội Anh, Quốc hội Tây
Ban Nha và Quốc hội phong kiến Pháp). Đồng thời, cũng có những điểm
tương đồng cơ bản trong các thể chế kinh tế, chẳng hạn như ở các nước này
không có chế độ nông nô.