Bản đồ 8: Chế độ nông nô ở châu Âu năm 1800 (p.148)
Tuy nhiên, các thể chế Tây Âu không phải lúc nào cũng khác biệt đến
thế so với Đông Âu. Như ta đã thấy trên đây, cả hai vùng bắt đầu phân hóa
vào thế kỷ 14 khi nạn dịch hạch bùng phát vào năm 1346. Khi ấy chỉ có
những khác biệt nhỏ về thể chế chính trị và kinh tế giữa Đông và Tây Âu.
Anh và Hungary thậm chí còn được cai trị bởi các thành viên của cùng một
gia đình, nhà Angevins. Những khác biệt thể chế quan trọng hơn đã xuất
hiện sau khi nạn dịch hạch tạo thành nền tảng để từ đó sự phân hóa đáng kể
hơn giữa Đông và Tây bộc lộ dần trong các thế kỷ 17, 18 và 19.
Nhưng sự khác biệt thể chế nhỏ nhặt khơi mào cho quá trình phân hóa
thoạt tiên đã bắt nguồn từ đâu? Tại sao Đông Âu có các thể chế chính trị và
kinh tế khác với Tây Âu vào thế kỷ 14? Tại sao cán cân quyền lực giữa nhà
vua và Quốc hội Anh khác với ở Pháp và Tây Ban Nha? Như ta sẽ thấy
trong chương sau, ngay cả những xã hội ít phức tạp hơn xã hội hiện đại của
chúng ta ngày nay cũng tạo ra những thể chế chính trị và kinh tế có tác
động mạnh mẽ đối với cuộc sống của các thành viên trong xã hội. Điều này
đúng ngay cả đối với những người săn bắn hái lượm, như ta thấy qua
những xã hội còn sống sót, chẳng hạn như bộ tộc San ở đất nước Botswana
hiện đại, vốn không có hoạt động nông nghiệp hay thậm chí còn không
định cư lâu dài.
Hai xã hội khác nhau không thể tạo ra những thể chế như nhau; họ có
tập quán khác nhau, hệ thống các quyền sở hữu khác nhau và cách thức
khác nhau để chia sẻ một con thú bị giết hay những phẩm vật cướp được từ
những bộ tộc khác. Một số xã hội sẽ công nhận thẩm quyền của các bậc
trưởng lão, còn những xã hội khác thì không; một số xã hội sẽ đạt được
mức độ tập trung hóa chính trị từ rất sớm, nhưng những xã hội khác thì
không. Các xã hội không ngừng trải qua xung đột chính trị và kinh tế, được
giải quyết theo những cách thức khác nhau do những khác biệt lịch sử cụ
thể, vai trò của các cá nhân, hay chỉ là những yếu tố ngẫu nhiên.