khi cán cân quyền lực thay đổi sau nạn dịch hạch và chế độ nông nô bắt đầu
sụp đổ ở Tây Âu, tình thế đã mở màn cho một xã hội đa nguyên hơn, không
còn sự tồn tại của bất kỳ người nô lệ nào nữa.
Các thời điểm quyết định dẫn đến xã hội phong kiến rất đặc trưng,
nhưng không hoàn toàn chỉ hạn chế trong phạm vi châu Âu. Thời điểm này
cũng xảy ra tương tự với đất nước châu Phi hiện đại Ethiopia, hình thành và
phát triển từ Vương quốc Aksum ra đời ở phía bắc đất nước vào khoảng
năm 400 TCN. Aksum là một vương quốc tương đối phát triển thời bấy giờ
và tham gia hoạt động thương mại quốc tế với Ấn Độ, Ảrập, Hy Lạp và Đế
quốc La Mã. Trên nhiều phương diện, vương quốc này có thể sánh với Đế
quốc Tây La Mã thời kỳ này. Họ sử dụng tiền, xây dựng các công trình
tưởng niệm công cộng và đường sá, và có công nghệ tương tự, chẳng hạn
như trong nông nghiệp và vận chuyển tàu thủy. Cũng có sự song hành thú
vị về mặt hệ tư tưởng giữa Aksum và La Mã. Vào năm 312 SCN, hoàng đế
La Mã Constantine cải sang đạo Thiên chúa giáo, cũng như Vua Ezana của
Aksum vào khoảng thời gian này. Bản đồ 12 trình bày vị trí của nhà nước
Aksum lịch sử ở đất nước Ethiopia và Eritrea thời hiện đại, với các tiền đồn
băng qua Biển Đỏ ở Ảrập Xê-út và Yemen.