7. BƯỚC NGOẶT THỂ CHẾ
RẮC RỐI VỚI VỚ
NĂM 1583, SAU KHI TỐT NGHIỆP Đại học Cambridge, William
Lee về quê để trở thành tu sĩ ở Calverton nước Anh. Ngay trước đó, Nữ
hoàng Elizabeth I (1558-1603) ban hành quy định buộc thần dân của bà
phải luôn đội mũ len. Theo ghi chép của Lee, “để sản xuất mũ len thì phải
có những người thợ đan len, nhưng nếu đan thủ công thì mất rất nhiều thời
gian. Tôi bắt đầu suy nghĩ. Tôi nhìn mẹ và các chị tôi ngồi suốt buổi chiều
tà bên những chiếc kim đan. Nếu món đồ được làm bằng hai chiếc kim đan
và một cuộn chỉ, tại sao không dùng nhiều chiếc kim cùng một lúc”.
Suy nghĩ quan trọng này là khởi điểm của quá trình cơ giới hóa sản
xuất dệt may. Lee trở nên bị ám ảnh với việc chế tạo một cỗ máy giúp giải
phóng con người khỏi công việc đan tay bất tận. Ông nhớ lại: “Tôi bắt đầu
xao lãng nhiệm vụ đối với Giáo hội và gia đình. Ý tưởng về cỗ máy và việc
sáng tạo ra nó đã ăn sâu vào tim óc tôi”.
Cuối cùng, năm 1589, cỗ máy dệt vớ của ông đã sẵn sàng. Ông đến
Luân Đôn với niềm háo hức tìm cách diện kiến Nữ hoàng Elizabeth I để
cho bà biết cỗ máy hữu ích như thế nào và xin bà cấp bằng phát minh nhằm
ngăn những người khác bắt chước thiết kế. Ông thuê một căn nhà để lắp đặt
cỗ máy và với sự giúp đỡ của vị đại biểu quốc hội địa phương Richard
Parkyns, ông đã gặp ngài Henry Carey Hunsdon, một thành viên trong Hội
đồng cơ mật hoàng gia Anh. Carey bố trí cho Nữ hoàng Elizabeth đến xem
cỗ máy, nhưng phản ứng của bà rất tiêu cực. Bà từ chối cấp bằng phát minh
cho Lee, thay vì thế bà nhận định: “Ngươi nhắm cao đấy, thầy Lee. Hãy
nghĩ xem phát minh này có thể gây ra những gì cho thần dân tội nghiệp của
ta. Chắc chắn nó sẽ gây họa bằng cách tước đoạt việc làm của họ và làm
cho họ trở thành ăn mày”. Tiêu tan hy vọng, Lee sang Pháp, cố gắng thử