vực trọng yếu là năng lượng, nổi tiếng nhất là những chuyển biến trong
việc sử dụng động cơ hơi nước, kết quả của các ý tưởng của James Watt
vào thập niên 1760.
Đột phá đầu tiên của Watt là giới thiệu một buồng ngưng tụ hơi nước
riêng để xi-lanh chứa piston có thể giữ nhiệt liên tục, thay vì phải làm nóng
và làm nguội. Sau đó, ông phát triển nhiều ý tưởng khác, như các phương
pháp hiệu quả hơn để chuyển hóa chuyển động của động cơ hơi nước thành
nguồn năng lượng hữu ích, đáng chú ý nhất là hệ thống bánh răng “mặt trời
và các hành tinh”. Trong tất cả các lĩnh vực này, đổi mới công nghệ được
xây dựng trên công trình trước đó của những người khác. Trong bối cảnh
động cơ hơi nước, các công trình này bao gồm nghiên cứu trước đó của nhà
phát minh người Anh Thomas Newcomen và Dionysius Papin, nhà vật lý
và nhà phát minh người Pháp.
Câu chuyện phát minh của Papin là một ví dụ khác về cách thức sự đe
dọa của phá hủy sáng tạo đã cản trở thay đổi công nghệ như thế nào trong
các thể chế chiếm đoạt. Papin sáng chế ra “nồi áp suất” và đến năm 1679
ông phát triển nó thành một động cơ piston. Năm 1705, ông sử dụng động
cơ thô sơ này để làm chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước đầu tiên trên thế
giới. Lúc bấy giờ Papin là một giáo sư toán ở Đại học Marburg thuộc bang
Kassel nước Đức. Ông quyết định chạy thử con tàu xuôi dòng sông Fulda
đến sông Weser. Bất kỳ tàu nào đi theo lộ trình này cũng đều phải dừng lại
ở thành phố Münden. Thời đó, lưu thông đường thủy trên sông Fulda và
Weser là độc quyền của một phường hội tàu thủy. Papin ắt hẳn đã ý thức
rằng chuyện này có thể gây rắc rối. Bạn ông và cũng là người thầy thông
thái, nhà vật lý học người Đức nổi tiếng Gottfried Leibniz, gửi kiến nghị
cho thủ hiến bang Kassel, xin cho Papin được phép “…đi qua mà không bị
cản trở…” trên lãnh thổ Kassel. Thế nhưng kiến nghị của Leibniz bị từ chối
và ông nhận được câu trả lời cộc lốc rằng: “Hội đồng thủ hiến nhận thấy
những trở ngại nghiêm trọng trong việc chấp thuận kiến nghị nói trên, và
không cho biết lý do, họ đã chỉ đạo tôi thông báo quyết định cho ông, và vì