nhằm chiếm đất nước này. Mãi đến nửa sau thế kỷ 19, việc sản xuất sách ở
Đế chế Ottoman chủ yếu vẫn được thực hiện bởi những người chép thuê,
chuyên chép lại những quyển sách hiện hữu bằng tay. Vào đầu thế kỷ 18,
người ta cho là có đến 80 nghìn người chép thuê hoạt động ở Istanbul.
Việc phản đối máy in gây ra những hậu quả hiển nhiên đối với tỷ lệ
biết chữ, giáo dục và thành công kinh tế. Năm 1800, có lẽ chỉ có 2-3% dân
chúng Đế chế Ottoman biết chữ, so với tỷ lệ biết chữ là 60% ở nam giới
trưởng thành và 40% ở nữ giới trưởng thành của nước Anh. Ở Hà Lan và
Đức, tỷ lệ biết chữ thậm chí còn cao hơn. Các vùng lãnh thổ của Ottoman
tụt lại đằng sau các nước châu Âu với trình độ học vấn thấp nhất trong thời
kỳ này, như Bồ Đào Nha, nơi chỉ có khoảng 20% người trưởng thành biết
đọc và biết viết.
Với các thể chế có tính chiếm đoạt và chuyên chế cao độ của Đế chế
Ottoman, sự chống đối máy in của quốc vương Hồi giáo thật dễ hiểu. Sách
vở giúp truyền bá ý tưởng và làm cho dân chúng trở nên khó kiểm soát hơn.
Một số ý tưởng này có thể là những phương thức mới mẻ quý giá để nâng
cao tăng trưởng kinh tế, nhưng những ý tưởng khác có thể có tính chất lật
đổ và thách thức hiện trạng chính trị và xã hội hiện hữu. Sách vở cũng làm
xói mòn quyền lực của những người kiểm soát tri thức truyền khẩu, vì sách
vở làm cho tri thức đó sẵn có đối với bất kỳ ai có thể đọc thông viết thạo.
Điều này đe dọa xói mòn hiện trạng, trong đó tri thức đang được kiểm soát
bởi giới quyền thế. Các quốc vương Ottoman và giới quyền thế mộ đạo lo
sợ sự phá hủy sáng tạo có thể xảy ra. Giải pháp của họ là cấm tiệt hoạt
động in ấn.
CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP tạo ra một thời điểm quyết
định, ảnh hưởng đến hầu hết mọi quốc gia. Một vài quốc gia như nước Anh
không chỉ cho phép mà còn tích cực khuyến khích hoạt động thương mại,
công nghiệp hóa và tinh thần nghiệp chủ, và đất nước đã tăng trưởng nhanh
chóng. Nhiều nước như Đế chế Ottoman, Trung Quốc và các chính thể