Afghanistan, Haiti và Nepal, nhà nước không có sự tập trung hóa chính trị.
Ở vùng hạ Sahara châu Phi, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Như chúng ta
đã lập luận trên đây, không có một nhà nước tập quyền để mang lại trật tự
trị an và thực thi luật pháp cũng như các quyền sở hữu, thì không thể có
được các thể chế dung hợp. Trong chương này, chúng ta sẽ thấy rằng ở
nhiều nước thuộc vùng hạ Sahara châu Phi (ví dụ như Somalia và Nam
Sudan), rào cản lớn đối với công nghiệp hóa là tình trạng thiếu mọi hình
thức tập trung hóa chính trị. Không có các điều kiện tiên quyết tự nhiên
này, thì cũng không có cơ may nào để công nghiệp hóa cất cánh.
Chủ nghĩa chuyên chế và tình trạng thiếu tập trung hóa chính trị là hai
rào cản khác nhau đối với việc mở mang công nghiệp. Nhưng chúng có
quan hệ với nhau; cả hai đều tồn tại do nỗi lo sợ sự phá hủy sáng tạo và do
quá trình tập trung hóa quyền lực thường tạo ra xu hướng dẫn đến chủ
nghĩa chuyên chế. Việc chống lại tập trung hóa chính trị cũng có những lý
do tương tự như việc chống lại các thể chế chính trị dung hợp, đó là nỗi lo
sợ mất quyền lực chính trị về tay nhà nước tập quyền và những người kiểm
soát nó. Trong chương trước, chúng ta đã thấy quá trình tập trung hóa chính
trị dưới triều đại Tudor ở Anh đã làm tăng nhu cầu về tiếng nói và sự đại
diện cho các giới quyền thế địa phương khác nhau trong các thể chế chính
trị quốc gia như một phương thức để ngăn chặn tình trạng mất quyền lực
chính trị này. Một Quốc hội vững mạnh hơn ra đời, cuối cùng dẫn đến sự
vươn lên của các thể chế chính trị dung hợp.
Nhưng trong nhiều trường hợp khác, điều ngược lại đã xảy ra, và quá
trình tập trung hóa chính trị cũng mở ra một thời kỳ chuyên chế nhiều hơn.
Điều này được minh họa qua nguồn gốc của chủ nghĩa chuyên chế ở Nga,
do Peter Đại Đế dựng lên từ năm 1682 đến khi ông băng hà vào năm 1725.
Peter xây dựng kinh đô mới ở Saint Peterburg, tước đoạt quyền lực từ giới
quý tộc cũ, các thống soái, nhằm tạo ra một bộ máy nhà nước và quân đội
hiện đại. Ông thậm chí còn giải tán Viện Duma, thể chế đã từng đưa ông
lên làm Nga hoàng. Peter dựng lên Bảng Cấp bậc, một hệ thống tôn ti trật