chuyên chế khác bị tụt hậu vì họ ngăn chặn, hay ít nhất là không làm gì để
khuyến khích việc mở mang công nghiệp. Các thể chế chính trị và kinh tế
định hình phản ứng đối với đổi mới công nghệ, một lần nữa cũng tạo ra mô
thức tương tác quen thuộc giữa các thể chế hiện hữu và các thời điểm quyết
định dẫn đến sự phân hóa thể chế và các kết quả kinh tế.
Đế chế Ottoman vẫn giữ nguyên chế độ chuyên chế cho đến khi sụp
đổ vào lúc kết thúc Thế chiến thứ nhất, và vì thế đã chống đối hay ngăn
chặn một cách thành công những phát minh đổi mới như máy in và sự phá
hủy sáng tạo đi kèm. Lý do khiến những thay đổi kinh tế xảy ra ở Anh đã
không xảy ra ở Đế chế Ottoman là do mối liên kết tự nhiên giữa các thể chế
chính trị chuyên chế chiếm đoạt và các thể chế kinh tế chiếm đoạt. Chủ
nghĩa chuyên chế là sự cai trị không được giới hạn bằng luật pháp hay
nguyện vọng của người khác, mặc dù trên thực tế những kẻ chuyên chế cai
trị với sự ủng hộ của một nhóm thiểu số hay của giới quyền thế. Ví dụ như
ở nước Nga vào thế kỷ 19, các Sa hoàng là những vị vua chuyên chế được
ủng hộ bởi giới quý tộc chiếm khoảng 1% dân số. Nhóm thiểu số này tổ
chức các thể chế chính trị để duy trì vĩnh viễn quyền lực của họ. Không có
Quốc hội hay sự đại diện chính trị của các thành phần xã hội khác ở nước
Nga mãi cho đến năm 1905, khi Sa hoàng thành lập Viện Duma, thế nhưng
ông đã nhanh chóng lũng đoạn chút quyền lực ít ỏi mà ông đã trao cho viện
này. Chẳng lạ gì, các thể chế kinh tế trở nên có tính chiếm đoạt, được tổ
chức để làm cho Nga hoàng và giới quý tộc trở nên ngày càng giàu có. Nền
tảng của hệ thống này, cũng như nhiều hệ thống kinh tế chiếm đoạt khác, là
hệ thống kiểm soát và cưỡng bức lao động dưới hình thức chế độ nông nô
nước Nga đặc biệt tàn khốc.
Chủ nghĩa chuyên chế không phải là loại thể chế chính trị duy nhất
ngăn cản công nghiệp hóa. Mặc dù các chính thể chuyên chế không có tính
đa nguyên và lo sợ sự phá hủy sáng tạo, nhiều chính thể có nhà nước tập
quyền, hay chí ít cũng là nhà nước đủ tập trung để cấm đoán những phát
minh đổi mới như máy in. Thậm chí ngày nay, ở những nước như