công thị tộc Tol Ja’lo và giết chết một người. Theo luật trả nợ máu, cái chết
này buộc người Yuunis phải đền bù cho thị tộc Tol Ja’lo, và việc đền bù
được chấp nhận. Nợ máu phải được đích thân trao trả bằng lạc đà như
thường lệ. Trong buổi lễ trao trả nợ máu, một người Tol Ja’lo giết chết một
thành viên thị tộc Yuunis, vì tưởng nhầm người này là thành viên trong
nhóm diya của kẻ giết người. Điều này dẫn đến một cuộc chiến toàn lực, và
trong vòng 48 tiếng sau đó, đã có 13 người Yuunis và 26 người Tol Ja’lo bị
giết. Cuộc chiến tiếp tục thêm một năm nữa trước khi các bậc trưởng lão từ
hai thị tộc được chính quyền thuộc địa Anh triệu tập, cố gắng làm trung
gian cho một thỏa thuận (trao đổi nợ máu) làm hài lòng cả hai bên và được
thanh toán trong vòng ba năm.
Việc trả nợ máu diễn ra trong bóng dáng của mối đe dọa vũ lực và hận
thù truyền kiếp, và thậm chí sau khi trả nợ, xung đột cũng không nhất thiết
sẽ chấm dứt. Thông thường, xung đột chỉ lắng xuống rồi lại bùng lên.
Vì thế, quyền lực chính trị phân tán rộng trong xã hội Somalia, gần
như đa nguyên. Nhưng không có thẩm quyền của một nhà nước tập quyền
để thực thi trật tự, ấy là còn chưa nói đến các quyền sở hữu, thì sự phân tán
quyền lực này không dẫn đến các thể chế dung hợp. Không ai tôn trọng
thẩm quyền của người khác, và không ai có thể áp đặt trật tự, kể cả chính
quyền thuộc địa Anh khi được thiết lập ở đó. Tình trạng thiếu tập trung hóa
chính trị làm cho Somalia không thể hưởng lợi từ cuộc Cách mạng công
nghiệp. Trong một môi trường như vậy, quả thật người ta không thể hình
dung nổi việc đầu tư hay áp dụng công nghệ mới xuất phát từ Anh, hay xây
dựng các loại tổ chức cần thiết để làm điều đó.
Nền chính trị phức tạp của Somalia đã có những hệ lụy thậm chí còn
tinh tế hơn đối với tiến bộ kinh tế. Trên đây, chúng tôi đã đề cập đến một
vài vấn đề rắc rối về công nghệ trong lịch sử châu Phi. Trước khi sự cai trị
thuộc địa bành trướng vào cuối thế kỷ 19, các xã hội châu Phi không sử
dụng bánh xe trong giao thông hay cày bừa trong nông nghiệp và ít xã hội