Cuộc Cách mạng công nghiệp tạo ra một thời điểm quyết định giúp
biến đổi cả thế giới trong suốt thế kỷ 19 và về sau: những xã hội cho phép
và có động cơ khuyến khích dân chúng đầu tư vào công nghệ mới có thể
tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng nhiều nơi trên thế giới không thể làm
được điều đó, hay công khai quyết định không làm điều đó. Những quốc
gia có các thể chế chính trị và kinh tế mang tính chiếm đoạt đã không tạo ra
các động cơ khuyến khích này. Tây Ban Nha và Ethiopia cho ta ví dụ về sự
kiểm soát chuyên chế của các thể chế chính trị và các thể chế kinh tế chiếm
đoạt đã làm thui chột các động cơ kinh tế từ lâu trước khi buổi bình minh
của thế kỷ 19 bắt đầu ló dạng. Hậu quả cũng tương tự ở các chế độ chuyên
chế khác như ở Áo-Hung, nước Nga, Đế chế Ottoman và Trung Quốc, mặc
dù trong những trường hợp này, những người cai trị, do lo sợ sự phá hủy
sáng tạo, chẳng những không khuyến khích tiến bộ kinh tế mà còn thực
hiện những biện pháp công khai để ngăn chặn sự mở mang công nghiệp và
du nhập các công nghệ mới dẫn đến công nghiệp hóa.
Chủ nghĩa chuyên chế không phải là hình thức duy nhất của các thể
chế chính trị chiếm đoạt và không phải là yếu tố duy nhất cản trở công
nghiệp hóa. Các thể chế chính trị và kinh tế dung hợp đòi hỏi phải có một
mức độ tập trung hóa chính trị nào đó để nhà nước có thể thực thi luật pháp
và trật tự, giữ vững các quyền sở hữu, và khuyến khích hoạt động kinh tế
khi cần thiết thông qua đầu tư vào các dịch vụ công. Thế nhưng thậm chí
ngày nay, ở nhiều quốc gia, như Afghanistan, Haiti, Nepal và Somalia, nhà
nước vẫn không thể duy trì trật tự cơ bản nhất, và các động cơ kinh tế hầu
như bị phá hủy. Trường hợp Somalia minh họa cho cách thức tiến bộ công
nghiệp hóa đã bỏ qua những xã hội này như thế nào. Người ta đã chống đối
sự tập trung chính trị với cùng một lý do như các chế độ chuyên chế đã
chống lại sự thay đổi: người ta sợ rằng sự thay đổi sẽ tái phân phối quyền
lực chính trị từ những người thống lĩnh hiện nay sang các cá nhân và các
nhóm mới. Vì thế, cũng hệt như chủ nghĩa chuyên chế ngăn chặn các phong
trào tiến tới chủ nghĩa đa nguyên và thay đổi kinh tế, giới quyền thế truyền
thống và các thị tộc chi phối trong những xã hội không có nhà nước tập