họ, hoặc họ có thể đã tiếp tục duy trì thể chế chính trị của mình như hồi đầu
thế kỷ 16, hoặc họ có thể đã tiếp tục chính sách thương mại bằng cách dần
dần phát triển những thể chế dung hợp ngày một cao.
Nhưng ở quần đảo Molucca, chủ nghĩa thực dân Hà Lan đã làm thay
đổi cơ bản sự phát triển kinh tế và chính trị của các hòn đảo. Người dân ở
khu vực Đông Nam Á ngưng hoạt động ngoại thương, trở nên hướng nội và
ngày một chuyên chế hơn. Trong hai thế kỷ tiếp theo, các quốc gia này
không đủ điều kiện để tận dụng những đổi mới của thời đại Cách mạng
công nghiệp. Và cuối cùng thì sự thoái lui không tham gia ngoại thương
cũng không cứu được họ thoát khỏi người châu Âu; vào cuối thế kỷ 18, gần
như toàn bộ khu vực này đã trở thành một phần của các đế chế châu Âu.
Ở CHƯƠNG 7 CHÚNG TA ĐÃ THẤY sự bành trường của châu Âu
ở khu vực Đại Tây Dương đã thúc đẩy sự phát triển các thể chế dung hợp ở
Anh. Nhưng như trường hợp quần đảo Molucca dưới sự cai trị của người
Hà Lan cho thấy, sự bành trướng này dẫn đến sự kém phát triển tại nhiều
nơi khác nhau trên thế giới vì sự áp đặt, hoặc đẩy mạnh, các thể chế chiếm
đoạt đang hiện hữu. Việc này đã trực tiếp hay gián tiếp phá hủy hoạt động
công nghiệp và thương mại non trẻ trên toàn cầu và duy trì các thể chế ngăn
trở công nghiệp hóa. Kết quả là, trong khi công nghiệp hóa đang lan truyền
trên một số khu vực thế giới, những khu vực thuộc địa của các đế chế châu
Âu lại không hề có cơ hội hưởng thụ những lợi ích từ những công nghệ mới
này.
MỘT THỂ CHẾ HẾT SỨC QUEN THUỘC
Ở khu vực Đông Nam Á, sự bành trướng sức mạnh thương mại và hải
quân của châu Âu vào giai đoạn đầu của lịch sử hiện đại đã chặn đứng một
giai đoạn thay đổi thể chế và mở rộng kinh tế hứa hẹn nhiều triển vọng cho
khu vực. Cũng trong giai đoạn này, trong khi Công ty Đông Ấn Hà Lan