Người Hà Lan áp dụng chiến lược mà họ đã triển khai một cách mỹ
mãn ở quần đảo Molucca trên toàn khu vực, để lại những ảnh hưởng sâu
rộng đối với các thể chế kinh tế và chính trị cho khu vực Đông Nam Á. Sự
phát triển và mở rộng thương mại của một số quốc gia trong khu vực vốn
bắt đầu từ thế kỷ 14 và đã diễn ra trong một thời gian dài bắt đầu đi thụt lùi.
Ngay cả các chính thể không trực tiếp bị Công ty Đông Ấn Hà Lan thuộc
địa hóa và đàn áp cũng chuyển sang hướng nội và từ bỏ thương mại. Sự
thay đổi kinh tế và chính trị non trẻ ở Đông Nam Á đã bị chặn đứng ngay
từ những bước đi chập chững.
Để tránh mối hiểm họa từ Công ty Đông Ấn Hà Lan, nhiều quốc gia
đã từ bỏ việc trồng các loại cây xuất khẩu và chấm dứt các hoạt động
thương mại. Tự cấp tự túc thì an toàn hơn là phải đối mặt với người Hà
Lan. Vào năm 1620 chính phủ Banten trên đảo Java đã chặt tất cả hồ tiêu
với hy vọng điều này sẽ khiến người Hà Lan để họ được yên. Khi một
thương nhân Hà Lan đến thăm đảo Maguindanao ở phía nam Philippines
vào năm 1686, ông ta được cho biết rằng: “Giống như ở Malaku, ở đây
cũng trồng được nhục đậu khấu và đinh hương. Nhưng giờ thì không còn
các loại cây này nữa bởi vì vị quốc vương cũ Raja đã ra lệnh phá bỏ tất cả
chúng trước khi ông qua đời. Ông sợ rằng Công ty Hà Lan sẽ đến và gây
chiến với đảo vì những cây gia vị này”. Những gì mà một thương gia khác
nghe được về quốc vương đảo Maguindanao vào năm 1699 cũng không có
gì khác: “Nhà vua đã cấm việc tiếp tục trồng hồ tiêu để ngài không bị
vướng vào chiến tranh với Công ty [Hà Lan] hoặc với những quốc gia
khác”. Phi đô thị hóa xảy ra và thậm chí là dân số đã bị suy giảm vì chính
sách này. Vào năm 1635 người Miến Điện chuyển thủ đô từ Pegu nằm cạnh
bờ biển đến Ava, một thành phố nằm sâu trong đất liền, ngược dòng sông
Irrawaddy.
Chúng ta không biết lộ trình phát triển kinh tế và chính trị của các
quốc gia Đông Nam Á sẽ ra sao nếu không có sự xâm lăng của người Hà
Lan. Các quốc gia này có thể đã phát triển các thể chế chuyên chế của riêng