đang mở rộng phạm vi hoạt động thì một hình thức thương mại khác đang
lớn mạnh ở châu Phi: buôn nô lệ.
Ở Mỹ, chế độ nô lệ ở miền nam thường được biết đến với tên gọi là
một “thể chế kỳ quặc”. Nhưng xét trên góc độ lịch sử, như học giả chuyên
về giai đoạn lịch sử cổ điển lừng danh Moses Finlay đã từng nêu ra, chế độ
nô lệ chẳng có gì là kỳ quặc, nó hiện hữu trong hầu hết mọi xã hội. Như
chúng ta đã thấy trong một chương trước, chế độ nô lệ phổ biến ở La Mã cổ
đại và châu Phi, vốn từ lâu là một trong những nguồn cung cấp nô lệ cho
châu Âu.
Vào thời đại La Mã, nô lệ được lấy từ các dân tộc Slavơ quanh Biển
Đen, từ Trung Đông và Bắc Âu. Nhưng cho đến năm 1400, người châu Âu
đã ngưng không sử dụng người châu Âu làm nô lệ nữa. Tuy nhiên như
chúng ta đã biết ở chương 6, châu Phi lại không trải qua giai đoạn chuyển
tiếp từ chế độ nô lệ sang chế độ nông nô như châu Âu thời Trung cổ. Trước
thời hiện đại, nạn buôn nô lệ ở Đông Phi rất hưng thịnh, và một lượng lớn
nô lệ được vận chuyển ngang qua sa mạc Sahara đến bán đảo Ảrập. Hơn
nữa, các quốc gia Đông Phi lớn thời Trung cổ như Mali, Ghana và Songhai
sử dụng nhiều nô lệ trong bộ máy chính quyền, quân đội và nông nghiệp -
họ áp dụng các mô hình tổ chức xã hội của các quốc gia Hồi giáo ở Bắc Phi
mà họ có quan hệ buôn bán.
Chính sự phát triển của các thuộc địa đồn điền mía vùng Caribê vào
đầu thế kỷ 17 đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ ngành buôn nô lệ trên thế
giới và chế độ nô lệ ở châu Phi bỗng nhiên trở nên quan trọng hơn bao giờ
hết. Vào thế kỷ 16, có khoảng 300 nghìn nô lệ được buôn bán trong khu
vực Đại Tây Dương, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Phi, với sự tham gia
của Kongo và người Bồ Đào Nha có trụ sở ở phía nam Luanda, bây giờ là
thủ đô của Angola. Trong giai đoạn này, quy mô buôn bán nô lệ xuyên sa
mạc Sahara vẫn còn lớn hơn ngành buôn nô lệ qua Đại Tây Dương, chuyên
chở khoảng 550 nghìn nô lệ châu Phi về phía bắc. Vào thế kỷ 17, tình hình