luôn giữ cho châu Phi trong tình trạng nghèo đói. Và họ theo đuổi mục tiêu
này một cách có phương pháp trong những thập niên sau đó.
Lời khai vào năm 1897 của George Albu, chủ tịch Hiệp hội Hầm mỏ,
trước Ủy ban Điều trần mô tả một cách chính xác lôgic của việc làm nghèo
châu Phi để thu được nguồn lao động rẻ. Ông giải thích rằng ông đã đề nghị
làm rẻ sức lao động “đơn giản bằng cách nói cho bọn chúng biết rằng lương
của chúng đã bị cắt giảm”. Buổi lấy lời khai của ông diễn ra như sau:
Ủy ban: Giả sử bọn châu Phi da đen quay trở lại kraal [trại súc vật]
của chúng? Ông có ủng hộ việc đề nghị chính phủ cưỡng bức lao động?
Albu: Dĩ nhiên… tôi sẽ bắt chúng phải làm việc… Tại sao ta lại cho
phép một tên mọi đen không làm gì hết? Tôi nghĩ rằng chúng ta phải bắt
bọn da đen châu Phi làm việc để kiếm sống.
Ủy ban: Nếu một người có thể sống mà không cần làm việc, làm cách
nào ông có thể buộc anh ta làm việc?
Albu: Đánh thuế hắn ta, sau đó…
Ủy ban: Sau đó ông không cho phép hắn được sở hữu đất đai nhưng
phải làm việc cho người da trắng để làm giàu cho người đó?
Albu: Hắn ta phải làm phần việc của mình để giúp đỡ những người
hàng xóm của hắn ta.
Cả hai mục tiêu: thủ tiêu sự cạnh tranh với người nông dân da trắng và
phát triển một nguồn nhân công lớn giá rẻ, cùng đạt được thông qua Đạo
luật Đất đai cho người bản xứ năm 1913. Đạo luật này, dường như tiên
đoán trước được khái niệm nền kinh tế đối ngẫu của Lewis, đã chia Nam
Phi thành hai phần, một phần hiện đại, thịnh vượng và một phần truyền
thống, nghèo đói, ngoại trừ thực tế là sự phát đạt và nghèo đói là do chính
đạo luật trên gây ra. Đạo luật tuyên bố rằng 87% đất đai phải thuộc về