biệt không tốt đối với người dân. Không như ở Mexico, ở Hoa Kỳ, dân
chúng có thể kiểm tra các chính khách và tống khứ những người nào sử
dụng chức vụ để làm giàu cho bản thân hay xây dựng độc quyền cho các
thân hữu của mình. Vì thế, độc quyền ngân hàng sụp đổ. Sự phân phối đại
trà các quyền chính trị ở Hoa Kỳ, nhất là so với Mexico, bảo đảm sự tiếp
cận tài chính và nguồn vốn một cách công bằng. Điều này, đến lượt mình,
bảo đảm rằng những người có ý tưởng và phát minh có thể hưởng lợi từ đó.
SỰ THAY ĐỔI BỊ CHI PHỐI BỞI QUÁ KHỨ
Thế giới đã thay đổi từ thập niên 1870 đến 1880. Châu Mỹ La-tinh
không phải là ngoại lệ. Các thể chế do Porfirio Díaz thiết lập không giống
hệt như các thể chế của Santa Ana hay nhà nước thuộc địa Tây Ban Nha.
Nền kinh tế thế giới bùng phát trong nửa sau thế kỷ 19, và các phát minh
trong ngành giao thông vận tải, như tàu chạy bằng động cơ hơi nước và
đường sắt, dẫn đến sự mở rộng đáng kể hoạt động thương mại quốc tế. Làn
sóng toàn cầu hóa này có nghĩa là những nước giàu tài nguyên như Mexico
- hay nói đúng hơn là giới quyền thế ở những nước này - có thể làm giàu
cho bản thân bằng cách xuất khẩu nguyên vật liệu và tài nguyên thiên nhiên
sang các nước công nghiệp ở Bắc Mỹ hay Tây Âu. Díaz và các thân hữu
của ông nhận thấy họ đang sống trong một thế giới khác, luôn tiến hóa
không ngừng. Họ nhận ra rằng Mexico cũng phải thay đổi. Nhưng điều đó
không có nghĩa là nhổ bật gốc rễ các thể chế thuộc địa và thay thế bằng
những thể chế tương tự như của Hoa Kỳ. Thay vì thế, đó là sự thay đổi “bị
chi phối bởi quá khứ” (path-dependent) chỉ dẫn đến một giai đoạn tiếp theo
của những thể chế vốn đã làm cho phần lớn châu Mỹ La-tinh trở nên nghèo
đói và bất bình đẳng.
Toàn cầu hóa làm cho không gian rộng mở của châu Mỹ - “các biên
giới mở” - trở nên quý giá. Thông thường các biên giới này chỉ mở một
cách tưởng tượng, vì nơi đây được chiếm cứ bởi những người dân bản xứ
bị tước quyền sở hữu một cách thô bạo. Dầu sao đi nữa, sự tranh giành