cao vì thành quả lao động của họ có thể bị tước đoạt và bị đánh thuế bởi
những ông vua toàn năng, bất kể những ông vua này có cải đạo theo Công
giáo hay không. Trong thực tế, không chỉ thiếu sự an toàn về tài sản. Ngay
cả sự tồn tại của họ cũng rất mong manh. Nhiều người trong số họ đã bị bắt
và bán làm nô lệ. Chắc chắn là môi trường này không thể khuyến khích đầu
tư nhằm tăng năng suất trong dài hạn. Tương tự như vậy, các ông vua toàn
năng cũng không hề có động cơ để biến việc sử dụng công cụ cày bừa trên
quy mô lớn hay làm tăng năng suất nông nghiệp trở thành ưu tiên hàng đầu
của mình; đơn giản là vì xuất khẩu nô lệ đem lại lợi nhuận lớn hơn nhiều.
Rất có thể là ngày nay người châu Phi ít tin tưởng nhau hơn so với
người các vùng khác của thế giới. Nhưng đây là kết quả của việc duy trì
những thể chế làm suy yếu quyền con người và quyền tài sản ở châu Phi
trong một thời gian dài. Nguy cơ bị bắt và bán làm nô lệ trong quá khứ
chắc chắn đã ảnh hưởng đến mức độ tin cậy lẫn nhau của người châu Phi.
Thế còn đạo đức Tin lành của Max Weber thì sao? Mặc dù có vẻ đúng
là những nước có tôn giáo chính là Tin lành, như Hà Lan và Anh chẳng
hạn, đi tiên phong trong thành công kinh tế trong thế giới hiện đại, nhưng
có rất ít mối quan hệ giữa tôn giáo và thành công kinh tế. Pháp, một đất
nước theo Công giáo, đã nhanh chóng bắt kịp kết quả kinh tế của người Hà
Lan và người Anh vào thế kỷ 19, và nước Ý ngày nay cũng có mức độ
thịnh vượng không hề thua kém những nước này. Nhìn xa hơn về phía
đông, bạn sẽ thấy rằng các trường hợp thành công kinh tế của Đông Á
không hề có bất kỳ liên hệ nào với bất kỳ hình thức Kitô giáo nào, và vì
vậy ở đây cũng không có nhiều hậu thuẫn cho một mối quan hệ đặc biệt
giữa đạo Tin lành và thành công kinh tế.
Bây giờ hãy chuyển sang Trung Đông - khu vực ưa thích của những
người nhiệt thành với giả thuyết văn hóa. Các nước Trung Đông chủ yếu là
Hồi giáo, và như chúng tôi đã lưu ý, các nước không sản xuất dầu mỏ trong
khu vực này đều rất nghèo. Các nước sản xuất dầu mỏ giàu có hơn, nhưng