chính sách tốt hơn thành công trong việc giải quyết các thất bại thị trường
này.
Liệu giả thuyết vô minh có thể giải thích sự cách biệt giàu nghèo trên
thế giới? Liệu có phải các nước châu Phi nghèo hơn so với phần còn lại của
thế giới bởi vì các nhà lãnh đạo có xu hướng lặp lại cùng một quan điểm sai
lầm về cách thức điều hành quốc gia của họ, và do vậy dẫn đến nghèo đói,
trong khi các nhà lãnh đạo Tây Âu có thông tin hay lời khuyên tốt hơn, nhờ
đó thành công hơn? Mặc dù có những ví dụ nổi tiếng về việc các nhà lãnh
đạo áp dụng các chính sách tai hại bởi vì họ không biết hậu quả của chúng,
sự vô minh chỉ có thể giải thích một phần nhỏ cho sự cách biệt giàu nghèo
trên thế giới.
Trên bề mặt, sự suy giảm kinh tế triền miên ở Ghana xảy ra ngay sau
khi giành lại độc lập từ nước Anh là do sự thiếu hiểu biết. Nhà kinh tế học
người Anh Tony Killick, vào thời điểm đó làm cố vấn cho chính phủ của
Kwame Nkrumah, ghi lại nhiều vấn đề một cách rất chi tiết. Chính sách của
Nkrumah tập trung vào phát triển công nghiệp nhà nước hóa ra rất kém
hiệu quả. Killick nhớ lại:
Nhà máy sản xuất giày dép… kết nối nhà máy sản xuất thịt ở miền bắc
với một xưởng thuộc da (hiện không còn nữa) ở miền nam cách xa hơn 500
dặm bằng cách vận chuyển da sống từ nhà máy thịt đến xưởng thuộc da; da
sau khi thuộc xong được chuyển ngược lại nhà máy sản xuất giày dép tại
Kumasi, trung tâm của đất nước và cách nhà máy thuộc da khoảng 200 dặm
về phía bắc. Vì thị trường giày chủ yếu nằm ở khu vực thủ đô Accra, nên
những đôi giày sau đó sẽ phải được vận chuyển thêm 200 dặm nữa để trở
lại miền nam.
Ở chừng mực nào đó, Killick đã nhận xét sai khi viết rằng “vị trí bất
lợi đã làm xói mòn khả năng đứng vững của nhà máy”. Nhà máy sản xuất
giày dép này chỉ là một trong nhiều dự án như vậy, bên cạnh đó còn có nhà
máy xoài đóng hộp tọa lạc ở nơi không trồng xoài, và có công suất dự kiến