kế sách chính trị tốt, giúp họ giữ được quyền lực bằng cách mua sự ủng hộ
của các nhóm hoặc tầng lớp quyền thế.
Kinh nghiệm của thủ tướng Ghana, Kofi Busia, vào năm 1971 là một
ví dụ minh họa cho mức độ lệch lạc của giả thuyết vô minh. Vào thời điểm
đó, Busia đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nguy hiểm. Sau khi
lên nắm quyền vào năm 1969, giống như người tiền nhiệm Nkrumah, Busia
theo đuổi các chính sách kinh tế mở rộng không bền vững và duy trì nhiều
biện pháp kiểm soát giá thông qua một ủy ban tiếp thị và bằng cách định
giá đồng tiền quá cao. Mặc dù Busia là đối thủ của Nkrumah và lãnh đạo
một chính quyền dân chủ, nhưng ông vẫn phải đối mặt với nhiều ràng buộc
chính trị như dưới thời Nkrumah. Tương tự như Nkrumah, chính sách kinh
tế của Busia được thực hiện không phải vì ông “dốt nát” hay “vô minh”,
hay ông tin rằng chúng là những chính sách kinh tế tốt và là phương cách lý
tưởng để phát triển đất nước. Các chính sách này đã được lựa chọn bởi vì
chúng là những kế sách chính trị tốt, cho phép Busia chuyển giao nguồn lực
cho các nhóm có thế lực về mặt chính trị, chẳng hạn như ở thành thị, nơi sự
hài lòng cần được bảo đảm. Việc kiểm soát giá đã vắt kiệt sức nông nghiệp
nhằm cung cấp thực phẩm giá rẻ cho các cử tri đô thị và tạo ra doanh thu để
tài trợ cho chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát này
không bền vững. Ghana đã sớm rơi vào một loạt khủng hoảng cán cân
thanh toán và khan hiếm ngoại hối. Đối mặt với những tình thế tiến thoái
lưỡng nan này, ngày 27/12/1971, Busia đã ký một thỏa thuận với Quỹ Tiền
tệ Quốc tế (IMF) qua đó chấp nhận phá giá mạnh đồng nội tệ.
IMF, Ngân hàng Thế giới và toàn thể cộng đồng quốc tế gây áp lực
buộc Busia thực hiện những cải cách trong bản thỏa thuận. Trong khi các tổ
chức quốc tế hồn nhiên không biết, Busia hiểu rất rõ rằng ông đang chơi
một canh bạc chính trị khổng lồ. Hậu quả ngay lập tức của việc phá giá
đồng tiền là bạo loạn và bất mãn dâng cao ở thủ đô Accra đến mức không
thể kiểm soát, cho đến khi Busia bị quân đội do Trung tá Acheampong lật
đổ, và ngay sau đó chính sách phá giá đồng tiền được đảo ngược.