khổ ấy từ một nơi xa xôi theo bọn lính mũ sắt kia và, sau khi lang bạt hết thị
trấn này đến thị trấn khác ở hậu phương, nó đã tới thành phố chúng tôi, nơi
số phận đã định cho nó sẽ phải kết thúc cuộc đời của nó và kéo theo thêm
mấy mạng khác. Có lẽ cũng như nhiều đứa khác, nó lầm tưởng có thể tô
điểm thêm một chút cho cuộc sống của nó, vì con người ta, dẫu sao thì cũng
vẫn hy vọng cải thiện được số phận của mình, dù cho cái số phận ấy có buồn
thảm đến đâu đi nữa.
Người ta chôn nó ở nghĩa trang quân nhân, «nghĩa trang những
người anh em», như người ta vẫn thường gọi, và đặt trên mộ nó tấm bia
bằng đá hoa mà ông nhìn thấy sáng nay. Trên bia, người ta có ghi cái câu đã
trở thành công thức: «Đã hy sinh cho tổ quốc», như người ta vẫn thường đọc
thấy ở đầu mộ mọi người lính.
Mấy hôm sau, có lệnh từ thủ đô xuống và cái nhà thổ bị đóng cửa.
Tôi còn nhớ rõ như mới hôm nay cái buổi sáng lạnh giá đó, bọn gái điếm,
tay xách vali, đến quảng trường tòa thị chính đợi chiếc xe nhà binh đến chở
đi. Khách qua đường ai cũng đứng lại nhìn. Chúng đứng sát vào nhau, cổ áo
khoác ngoài bẻ cao vì trời lạnh, nom chúng tiều tụy, ngơ ngác hơn bao giờ
hết.
Chúng trèo lên chiếc xe tải và khi xe chuyển bánh, có mấy người rụt
rè khẽ vẫy tay chào tiễn. Chúng vẫy tay chào lại, nhưng cử chỉ của chúng
không phải là cử chỉ thường thấy ở hạng đàn bà làm nghề đó, đây là một cái
gì rất khác, khiến người ta cảm thấy nó ngậm ngùi một vẻ cay đắng, mệt
mỏi. Chúng tôi đứng đấy nhìn theo lòng vẫn không thấy vì thế mà nhẹ nhõm
đi chút nào. Trước kia, quả tình chúng tôi đã có lúc nghĩ rằng chúng nó mà
đi, chúng tôi sẽ mở tiệc ăn mừng. Nhưng giờ đây, sự tình lại diễn ra khác
hẳn. Chúng nó ra đi nhưng chúng tôi sẽ được lợi gì. Chiến tranh vẫn hoành
hành khắp nơi, bọn phát xít vẫn đứng gác ngay trước cửa nhà chúng tôi, và
chúng tôi chẳng hy vọng sẽ được gì hơn dưới ách bọn chiếm đóng.
Có trời biết được những người con gái xấu số ấy bị đưa đi đâu, chắc
hẳn là đến một thành phố nào khác, ở gần mặt trận, nơi nghỉ tạm một đêm
của bọn lính đi ra mặt trận, hoặc từ ngoài mặt trận rút về. Và cuộc sống của
chúng sẽ lại đầy rẫy những hàng lính tráng dài dằng dặc; những tên lính mệt