189
được thuốc cũng phải chích... Còn nhiều trường hợp khác, tùy bệnh trạng, không
cần chích thì thôi!
Nói chung, ở trẻ em, nên dùng thuốc uống hơn là chích.
Nếu chích thuốc vô thưởng vô phạt thì lại càng không nên!
Cho bé uống thuốc:
Phải kiểm soát cẩn thận trước khi pha thuốc cho bé uống. Kiểm tra xem thuốc
có đúng với toa không? Xem thuốc có qua cũ, hết hạn hay hư hỏng gì không?
Không nên để cho người lạ hay người không biết chữ cho bé uống thuốc. Sáng
nay khoa cấp cứu chúng tôi vừa rửa ruột cho hai bé đã uống nhầm thuốc... làm vệ
sinh phụ nữ!... Còn làm sao cho bé uống thuốc thì xin xem chương 57.
Săn sóc bé bệnh:
Ta dễ có xu hướng chiều chuộng quá đáng khi bé đau ốm. Lúc đó bé bứt rứt,
bẳn gắt, hay gây gỗ, đòi hỏi. Nếu bé đau ốm vài ngày thì không thành vấn đề, gặp
trường hợp đau lâu, thái độ của ta phải khác. Thương bé thì để trong lòng, bên
ngoài ta vẫn phải bình tĩnh, nghiêm trang nhưng dịu dàng, không bao giờ tỏ ra lo
lắng, hốt hoảng trước mặt bé. Nếu ta hốt hoảng, bé càng hốt hoảng hơn. Sự bình
tĩnh của ta giúp bé an lòng. Trong cử chỉ cũng như lời nói, ta cố tự nhiên, bình thản
– như giọng của bác sĩ càng tốt – mới có thể làm bé nghe lời ta, chịu uống thuốc,
chịu ăn theo lời dặn của bác sĩ.
Nếu có người bắt con kiêng cữ quá đáng khi đau ốm thì cũng có người chiều
con cho ăn bậy bạ đến sinh bệnh thêm. Lúc đang đau nặng, đang sốt nhiều thì phải
kiêng cữ nhưng lúc bệnh đã bớt thì ăn uống phải rộng rãi hơn nếu không, bé mất
sức mà bệnh lâu khỏi vì thiếu ăn một phần. Đặc biệt trong bệnh tiêu chảy, ngoài việc
cho con uống nước còn phải cho ăn bình thường không cần kiêng cữ như xưa.
Nếu bé đã khá lớn, cho bé giải trí để quên bệnh. Cho bé các món đồ chơi cần trí
thông minh như xếp hình, xây nhà... Bé lớn hơn, các trò chơi lôi cuốn khác như sưu
tầm tem, cắt hình trên báo; cũng có thể cho bé đọc truyện trẻ em, truyện hình.
Tóm lại thái độ đối với trẻ bệnh là:
Thản nhiên, tươi cười, không tỏ ra lo lắng, sợ sệt trước mặt bé.
Tránh lời nói, cử chỉ làm bé lo sợ.
Nghe lời bác sĩ chỉ dẫn trong việc điều trị, ăn uống.
Cho bé giải trí để quên bệnh.