sớt nỗi buồn với tôi. Tôi đã khám phá ra niềm vui viết lách - ấy là khi một
người có thể trải lòng mình vào một nơi hoàn toàn trống rỗng và lấp đầy
khoảng trống đó bằng những suy nghĩ, tình cảm và để chúng ở lại đó mãi
mãi. Và tôi tiếp tục viết trong suốt gần hai năm chiến tranh. Việc đó trở
thành một hình thức trị liệu giúp tôi đối phó với mọi việc đang diễn ra xung
quanh mình.
Tôi thấy có sự tương đồng giữa bản thân mình và Những Nhà văn Tự
do vì tất cả chúng tôi đều viết dựa trên những thứ xảy ra xung quanh mình -
những điều khiến chúng tôi có cảm giác mình là nạn nhân. Cuộc sống là
một chuỗi cả những việc tốt đẹp lẫn khó khăn, nó khiến người ta buồn, vui
trong chính ngôi nhà của mình, trong chính gia đình mình, ở trường học và
trên đường phố. Đôi khi chúng ta phải chịu đau khổ vì có quá nhiều việc
chúng ta không thể kiểm soát được, chẳng hạn như màu da, sự đói nghèo,
tôn giáo, hoàn cảnh gia đình và chiến tranh. Lựa chọn trở thành nạn nhân
của hoàn cảnh và tiếp tục buồn bã, sợ hãi hay tức giận là việc vô cùng dễ
dàng; nhưng chúng ta cũng có thể chọn cách đối phó với những điều bất
công theo cách nhân văn và phá vỡ chuỗi những suy nghĩ và năng lượng
tiêu cực, không cho phép bản thân chìm đắm trong đó. Việc viết về những
điều xảy đến với chúng ta giúp chúng ta nhìn nhận khách quan về những gì
đang diễn ra xung quanh mình, để rồi biến những trải nghiệm tiêu cực thành
tích cực và hữu ích. Quá trình này đòi hỏi phải nỗ lực và bỏ nhiều công sức,
nhưng đó là điều hoàn toàn có thể và Những Nhà văn Tự do đã chứng minh
được điều đó - họ đã chọn con đường đầy khó khăn nhưng vô cùng mạnh
mẽ.
Sau khi tôi rời khỏi Bosnia, cuộc chiến vẫn tiếp diễn và như chúng ta
gần đây đều đã biết, điều tương tự cũng đang xảy ra ở Kosovo. Mọi người
vẫn hỏi tôi nghĩ gì về điều này và tất cả những gì tôi có thể trả lời là điều đó
khiến tôi vô cùng đau buồn. Giờ đây, hầu hết những bạn trẻ từng ở Nam Tư
cũ đều biết tiếng bom nổ ra sao, một căn hầm trông như thế nào và họ đã