luận của tác giả về tài liệu ấy có đưa đến sự thật hay không hay lại hùa theo
sự man trá. Ví dụ điển hình cho điều nầy là việc tác giả Hammer đã trích
dẫn báo Hòa Bình về nguồn tin cho rằng CIA đã nổ trái bom tại đài phát
thanh Huế làm chết người, gián tiếp thúc đẩy Phật giáo đấu tranh chống chế
độ nhà Ngô. Cuối phần trích, tác giả lại thêm câu “người viết không thể
kiểm chứng được sự kiện kể trên là đúng hay không đúng”. Khi thêm vào
câu này không biết tác giả Hammer có còn vô tư hay không hay chỉ để trốn
chạy trách nhiệm.
4. Bà Hammer đã kể lại vụ tự thiêu của Hòa Thượng Quảng Đức một cách
chính xác: Hòa thượng đã hoàn toàn tỉnh táo và chủ động tự đốt thân xác
mình. Nhưng tiếc thay, sau đó, Hammer lại hùa theo Margueritte Higgins để
cho rằng danh từ “nướng thịt” (barbecue) do con gái bà Nhu nghe được từ
các nhà báo ngoại quốc và bà Nhu chỉ lập lại v.v...
Trên đây là bốn ví dụ rất tiêu biểu trong nhiều ví dụ khác đầy dẫy trong “A
Death in November”. Viết về một cuốn sách như Ellen Hammer đã viết,
nhằm phân tách nguyên nhân và hậu quả của một biến cố lịch sử nước
người mà không chịu nhìn sâu vào quá khứ để nhận diện và phân tách các
mắt xích trong toàn bộ vận hành của lịch sử để thấy các động lực xa và gần,
để cảm thông với những phản ứng sâu và rộng của quần chúng thì quả thật
là một thiếu sót đáng trách và đáng tiếc. Trong khung cảnh Việt Nam trước
tháng 11 năm 1963 với bao nhiêu nhà tù và bao nhiêu nạn nhân của chế độ,
có lẽ “A Death in November” nên đổi ra là “The death before November”.
Bà Ellen Hammer thương tiếc cho cái chết của ông Diệm, nhưng nếu bà đọc
được lời phê bình của ký giả nổi tiếng, có mặt nhiều năm tại Việt Nam, là
ký giả Neil Sheehan (trong “The Bright Shining Lie”): “lần đầu tiên trong
lịch sử chiến tranh, dân chúng Sài Gòn tự phát hoan hô binh sĩ VNCH” (sau
khi lật đổ ông Diệm) thì chắc bà đã thông hiểu hơn với nỗi thống khổ, chết
chóc triền miên của dân Việt Nam suốt chín năm anh em ông Diệm hơn là
cái chết tháng 11 của anh em nhà Ngô.
Nhưng tại sao bà Hammer lại tiếc cho cái chết của anh em ông Diệm? Theo
tướng Trần Văn Đôn thì bà là bạn thân của giáo sư Bửu Hội, nhân vật vừa
khâm phục Hồ Chí Minh, vừa thân Pháp, vừa là người đã giúp đỡ nhà Ngô