đầu mình và tay chân, nối liền máu xương ruột thịt, nay miền Bắc rơi vào
tay Cộng Sản, quê hương Quảng Bình của tôi rơi vào tay Cộng Sản, tôi đau
đớn như thấy mất đi một phần thân thể của mẹ hiền. Theo Gia phả họ Đỗ
nhà tôi thì nơi xuất phát của giòng họ tôi vốn nằm ở mạn Sơn Tây, Bắc Việt
gần vùng đất Hùng Vương dựng nước. Nhưng vì cuộc cờ biến thiên, hoặc vì
loạn ly, hoặc vì những đợt hưng vong của các triều đại, một số con cháu họ
Đỗ theo đà Nam tiến của dân tộc trôi dạt đến đất Quảng Bình, dừng lại trên
bờ sông Linh Giang sau dãy đèo Ngang, lập thành làng Thổ Ngọa. Căn cứ
vào truyền thuyết và gia phả thì tổ tiên chúng tôi thuộc dòng dõi thiền sư Đỗ
Thuận. Theo Việt Nam Phật Giáo sử Luận của Nguyễn Lang (tức Thượng
Toạ Thích Nhất Hạnh) và Hai ngàn năm Việt Nam và Phật Giáo của Lý
Khôi Việt thì "Thiền sư Đỗ Thuận xuất gia hồi còn thơ ấu, có thiên tài về
thơ phú và văn chương, được học giả Lê Quý Đôn có thơ truy tặng: "Câu
thơ Pháp Thuận, sứ Tống khen hay. Bài ca Chân Lưu nổi danh một thủa".
Chính ông cùng với thiền sư Khuông Việt đã dùng nghệ thuật phù sấm giúp
Lê Hoàn nắm lấy quyền bính trong cuộc đảo chánh ôn hoà năm 980. Trong
buổi đầu sáng nghiệp của triều Lê, ông có công thiết kế và quyết định chính
sách quốc gia, nhưng khi thiên hạ đã thái bình rồi thì không chịu nhận
phong thưởng. Vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không gọi tên, chỉ xưng họ
là Đỗ Pháp sư mà thôi." [12]
Cho nên hôm nay xa đất Bắc, lìa quê cha đất tổ của thời xa xưa, chẳng
những tôi phải ly cách một phần quê hương ruột thịt mà còn vĩnh biệt luôn
miền đất của gốc rễ cội nguồn. Giờ đây, núi Tản Viên ghi dấu Quốc Tổ
Hùng Vương, sông Hồng Hà bao phen nhuộm máu quân thù phương Bắc,
Hà Nội ba mươi sáu phố phường, thành cũ Thăng Long ngàn năm văn vật
với chùa Trấn Quốc, hồ Hoàn Kiếm, gò Đống Đa, đền Ngọc Sơn, tất cả núi
sông hùng vĩ, cảnh vật cẩm tú yêu kiều chỉ còn là những hình bóng của tâm
tưởng trong cảnh trời chiều bảng lảng, để rồi vỡ tung thành vạn mảnh ký ức
khi con tàu từ từ lìa bến Cảng ra khơi. Lòng tôi se thắt lại.
Đến Sài Gòn, những lớp học của chúng tôi được chuyển vào Bộ Tổng Tham
Mưu để tiếp tục cho đến ngày mãn khoá gần cuối tháng 9. Trong lúc đó thì
đài phát thanh quân Đội của tướng Hinh vẫn ra rả ngày đêm công kích, đả