chức đã đề cử (và đã được chấp thuận) một vị khác thế mình, ông Ngô Đình
Diệm, mà cả hai người, cũ cũng như mới, đều có những liên hệ chặt chẽ trên
cả hai mặt đức tin lẫn sự tuân phục với Hội Truyền Giáo Hải Ngoại.
Nói cho đúng, từ khi gặp cô Marie Thérèse trên chuyến tàu hồi hương cho
đến tận khi lập thành Hoàng Hậu, ông Bảo Đại không cảm thấy bị ép buộc
và tình yêu đôi lứa hẳn phải có sự đồng thuận của cả hai bên. Tuy nhiên,
điểm đáng nhấn mạnh ở đây là tình yêu đó được tác thành trong một thủ
đoạn chính trị vượt hẳn sự sáng suốt của một người thanh niên đang ngụp
lặn trong tình yêu, như Lý Bạch ngày xưa ngây ngất nhảy xuống nước ôm
trăng mà không biết mình sẽ vùi thân dưới dòng sông lạnh.
Trường hợp hôn nhân của vua Bảo Đại và cô Marie Thérèse chỉ là một trong
rất nhiều hình thái kiểm soát, vận dụng, khai thác một vị vua của các thế lực
thế quyền và giáo quyền Pháp. Tôi muốn nêu lên trường hợp đó là để chứng
minh rằng ông Bảo Đại dù có muốn cũng không thể làm gì hơn được, dù có
lúc ông đã muốn có những cải cách, những vận động để cứu triều đại nhà
Nguyễn và cứu chính nước Việt Nam của ông. Trôi nổi trong một hoàn cảnh
như thế, sự bất lực chính trị đã biến sự bất mãn thành ra một sự chán nản
tâm lý và sinh lý. Ông chỉ còn biết mượn những thú thể thao để khuây khỏa
cho phù hợp với thói quen phóng khoáng của cuộc sống Paris mà ông đã bị
điều kiện hóa từ ngày ông du học ở Pháp.
Năm 1945, sau khi được tiếp xúc nhiều lần với vua Bảo Đại, học giả Trần
Trọng Kim đã có nhận xét: “Vua Bảo Đại thông minh, am hiểu tình hình.
Trong thời Bảo hộ của nước Pháp, hình như Ngài chán nản không làm gì
cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Ngài có vẻ trang nghiêm và nói những điều
rất đứng đắn”[17]. Học giả Trần Trọng Kim quả thật đã mô tả đúng tâm sự
của một con người bất đắc dĩ phải làm vua bù nhìn, làm một vị vua không
nổi loạn được vì bị kềm kẹp, không làm tay sai được vì lòng yêu nước nồng
nàn, và nhất là không tự xử thân mạng được vì trách nhiệm duy trì dòng dõi
nhà Nguyễn.
Khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông Bảo Đại đã biết lợi
dụng vận hội mới đó để khước từ dĩ vãng đau thương, ông đã tuyên bố Độc
Lập cho Việt Nam, xé bỏ mọi hiệp ước liên hệ với nước Pháp, chấm dứt nền