bậc trưởng thượng và trí thức cố đô Huế biết rõ sự thật là không đúng như
đã tuyên truyền nên anh em ông Diệm đành phải bỏ ý định đó và rồi đổi tên
trường từ Khải Định ra Quốc Học. (Xin lưu ý rằng trong cuộc đàm luận với
ký giả Robert Shaplen, ông Diệm đã nói rất nhiều đến sự nghiệp và thân thế
của cụ Ngô Đình Khả thế mà ông không hề đề cập đến chuyện cụ Khả là
người xây dựng trường Quốc Học Huế được Pháp đặt tên là trường Khải
Định. Trái lại theo “Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí” của Chính Đạo
(s.đ.d., tr. 304) thì ông Ngô Đình Khả theo ông Nguyễn Thân đi đánh phong
trào Văn Thân của cụ Phan Đình Phùng ở vùng Hà Tĩnh-Nghệ An. Năm sau
khải hoàn, được cử làm Phó giám đốc trường Quốc Học, trước khi được
thăng chức Tổng quản Cấm Thành).
Sau sự vinh danh cho người anh trưởng đã khuất, dĩ nhiên ông Diệm bắt đầu
lên ngôi cho những người còn sống trong gia đình.
Ông Ngô Đình Thục, người anh trai thứ nhì, từ khi ông Khôi chết, được gia
đình tôn kính theo quan niệm “quyền huynh thế phụ”. Ông Ngô Đình Thục
là vị Giám mục thâm niên của hàng giáo phẩm đang giữ chức Tổng giám
mục của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Mặc dù không giữ một chức vụ
chính thức nào trong chính quyền, nhưng với địa vị anh trưởng trong gia
đình, với địa vị Tổng giám mục của Giáo hội, lại được các em, nhất là Tổng
thống Diệm cung kính và vâng lời nên ông Thục trở thành một thứ tối cao
cố vấn của chế độ. Tòa giám mục Vĩnh Long, và sau này Tòa giám mục
Huế, nơi ông Thục cai quản bỗng trở thành một thứ triều đình siêu vương
quốc với đầy đủ mọi quyền lực làm cho chính ông Nhu cũng phải than
phiền với một linh mục thân tín khi thấy các viên chức cao cấp của cả ba
ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp chăm chỉ đến cung kính cầu cạnh
Đức Cha. Giám mục Ngô Đình Thục, trong cương vị đó, và với cung cách
của những viên chức trong và ngoài chánh quyền như thế, lẽ tất nhiên đã
nhiều lần trộn lẫn giáo quyền và thế quyền làm một để dính dự vào những
quyết định quan trọng của sinh hoạt quốc gia không khác gì Giáo hoàng
Boniface VIII vào ngày 18-11-1302 đã sống sượng tuyên bố “... cả hai