Đến Sài Gòn, tôi tìm cách vào gặp ông Nhu mãi mà không được, bèn đi
thăm một số bạn bè trong đó có ông Tôn Thất Trạch (hiện ở Pháp) Tổng
giám đốc Bảo an. Ông Trạch nguyên là cựu Tri huyện, theo ông Diệm từ
ngày hồi cư khoảng 1949, 1950. Khi ông Diệm mới về nước làm Thủ tướng,
nhờ là người liêm chính ông Tôn Thất Trạch được chọn giữ chức vụ tín cẩn
là Đổng lý Văn phòng. Nhưng tính tình vốn cứng rắn, nói phô thiếu mềm
dẻo, nên ông Trạch không được ông Diệm ưa thích, sau đó ông Trạch bị mất
chức Đổng lý Văn phòng và được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Bảo an.
Tôi vào thăm, ông Trạch mừng lắm, và đề nghị với Bộ trưởng Nội vụ là ông
Nguyễn Hữu Châu để tôi giữ chức Phó Tổng giám đốc Bảo an, phụ tá cho
Trạch về phần quân sự. Nhưng chỉ độ hai tuần lễ sau thì Trạch bị ông Cố
vấn Ngô Đình Nhu khiển trách tại sao lại sử dụng tôi, và đồng thời ra lệnh
cho tôi sửa soạn đi nhận chức Tùy viên Quân sự tại Tòa đại sứ Việt Nam ở
Pháp.
Tôi nghĩ bụng việc chỉ định tôi đi làm Tùy viên Quân sự thật ra chỉ là một
biện pháp khai trừ những phần tử “bất hảo” bằng cách cho ra nước ngoài
(như trường hợp các ông Bùi văn Thinh, Nguyễn Đôn Duyến, Trần Chánh
Thành, Lâm Lễ Trinh, Trần Kim Tuyến sau này...), nhưng điều làm tôi ngạc
nhiên là tại sao lại bổ nhiệm tôi đi Pháp vì tôi vốn là phần tử có thành tích
chống Pháp mà cả ông Diệm và ông Nhu đều biết rất rõ. Vốn nặng tình quê
hương và thích sống đơn giản nên tôi không thích những kinh thành hoa lệ,
náo nhiệt và xa xôi như Paris, hơn nữa lại chán nản trước sự bạc đãi của ông
Nhu, tôi đã định xin từ chức. Nhưng nghĩ lại thì dù sao còn có ông Diệm
biết rõ cuộc đời mình, biết rõ công lao của mình, biết rõ tấm lòng trung cang
nghĩa khí của mình, cho nên trước khi quyết định từ chức, tôi muốn biết rõ
thái độ của ông Diệm như thế nào đã. Tôi xin yết kiến Tổng thống, trình bày
mọi sự việc đã xảy ra ở Nha Trang, rồi xin ông Diệm cho tôi được ở lại quê
nhà. Ông Diệm trả lời: “Không lẽ cha Sồ mà cũng nói láo về anh hay sao?
Anh cứ đi Pháp đi đã”. Ông Diệm không có vẻ giận dữ tôi lắm nhưng tôi