tác vệ sinh, chăm sóc cây cảnh chim chóc, và đặc biệt phụ trách luôn việc
đồng áng mùa màng cho những mẫu ruộng ở An Cựu và ở miệt các Lăng.
Nhờ có một người anh làm thượng sĩ trong tiểu đội phục dịch này mà đại tá
Phùng Ngọc Trưng mới có thể cho tôi biết rằng mặc dù tiền bạc châu báu
chất chồng, mặc dù dinh thự nhà cửa tậu mãi đã rất nhiều mà ông Cẩn vẫn
giữ cái tính keo kiệt bủn xỉn như thời còn hàn vi. Tiểu đội sĩ quan và hạ sĩ
quan đó, hàng tháng phải đóng góp chung tiền lại để mua chổi, bóng đèn,
vòi nước, gạch đá, dụng cụ làm vườn và trăm thứ linh tinh khác... vì đã có
lần họ xin ông Cẩn ngân khoản bảo trì hàng tháng, bị ông mắng chưởi cho
một trận và còn hăm dọa đuổi ra đơn vị tác chiến. Ngoài tiểu đội quân nhân
được sử dụng như gia nô đó, ông Cẩn còn có một văn phòng Quân Chính
(quân sự và chính trị) do Đại úy Minh (Công giáo di cư) làm chánh văn
phòng để lo vấn đề giấy tờ, thư tín và liên lạc với người ngoài dinh.
Nhưng có lẽ những thay đổi của cảnh vật không làm tôi ngạc nhiên bằng
những thay đổi của con người vì sự kiện đập mạnh vào mắt nhất là sự thay
đổi toàn diện nơi con người của mụ Luyến. Mụ Luyến mà tôi thường thấy
trước kia là một mụ Luyến lam lũ, quê kệch, áo nâu quần đen, chân đi đất;
còn mụ Luyến mà tôi gặp hôm nay mặt mày son phấn, áo quần lụa là, chân
đi guốc hoa, mình đầy nữ trang óng ánh và được mọi giới chức quyền gọi
bằng Bà. Sự đắc thắng vinh quang của giòng họ Ngô Đình quả thật đã được
thể hiện rõ ràng nhất qua sự thay tính đổi hình nơi người đầy tớ gái quá nửa
chừng xuân này.
Xe Jeep của Sở An Ninh Quân đội chở tôi đến dinh thự của Cẩn ở Phú Cam
đúng lúc một viên chức đại diện cho Tỉnh trưởng Quảng Ngãi cũng vừa chở
đến một bức sập gụ quý giá để dâng cho ông Cố vấn miền Trung. Bức sập
gụ đó thật hiếm có vì chỉ gồm một tấm liền mà bề ngang khoảng một thước
sáu, bề dài hơn ba thước và bề dày phải hơn một tấc tây. Tôi bước vào cổng
nhà lúc ông Cẩn và mụ Luyến còn đứng chỉ trỏ xem xét và trầm trồ khen
ngợi bức sập gụ quý giá đó.
Phong cách của ông Ngô Đình Cẩn vẫn không thay đổi bao nhiêu, vẫn bộ bà
ba lụa trắng, vẫn nhai trầu nhóp nhép, chỉ trừ đôi guốc gỗ đã được thay bằng
đôi giầy hạ, bề ngoài trông giống như một nhà phú hộ miền quê. Nói phô thì