căn bản đó và trong khuôn khổ đó, một hệ thống pháp luật “thực tế và tất
nhiên” được hình thành để làm trọng tài cho một xã hội dân sự. Phê bình
Hiến pháp chính là phê bình bản chất của chế độ, còn phê bình các bộ luật
thì mới là phê bình hiện tượng của chế độ. Huống gì Hiến pháp 1956 lại là
sản phẩm đầu tay của chế độ Ngô Đình Diệm chứ không phải là thừa kế từ
một chế độ khác. Cho nên phê phán sản phẩm đó chính là phê phán căn
cước chính trị và văn hóa của chế độ. Hiểu Hiến pháp kiểu ông Chức là,
trên mặt lịch sử, cho chế độ đứng ngoài Hiến pháp hoặc cho Hiến pháp độc
lập với chế độ như ông Diệm đã từng cao ngạo tuyên bố “sau lưng Hiến
pháp còn có tôi”.
- Thứ hai là thái độ phản dân chủ của một người nhiều thủ đoạn chính trị.
Hiến pháp, trên thực tế và nói cho cùng, là một khế ước chính trị giữa người
dân và chính quyền mà thông qua các vị dân cử, đã được thảo luận và biểu
quyết tại Quốc hội (rồi nếu cần, còn phải được tu chính cho phù hợp với
điều kiện sinh hoạt thực tế của quốc gia). Vậy thì tính “cưỡng hành” của
Hiến pháp có tính chính trị (nhiều hơn là Luật pháp) mà ở đây là quyền lực
chính trị. (Ví dụ điều 3 xác định “Tổng thống lãnh đạo Quốc gia” như điều
4 của Hiến pháp 1992 của Hà Nội xác định “Đảng Cộng sản Việt Nam,... là
lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”). Vậy, phê bình chế độ chính trị của
chính quyền Ngô Đình Diệm thì không thể không đem Hiến pháp ra mà mổ
xẻ được. Ngoại trừ xem Hiến pháp là một khế ước ma mà chính quyền
muốn độc tài xé bỏ lúc nào cũng được.
- Thứ ba là ngay cả điều quái đản mà ông Chức nói ra có đúng chăng nữa
thì trong tập Hồi ký, tôi (và những “kẻ đứng sau” nào đó mà ông Chức cứ lố
bịch tưởng tượng là có thật) đã không chỉ dựa vào mỗi Hiến pháp đó để phê
bình chế độ Ngô Đình Diệm. Hiến pháp 1956, hiểu theo kiểu ông Chức
(nghĩa là không phản ánh bản chất của chế độ để có thể qua đó dùng làm
chuẩn mực phê phán) mà còn để lộ ra tính độc tài phản dân chủ như thế, thì
trên thực tế chế độ còn tráo trở hại dân hại nước đến mức độ nào.
Vừa nông cạn và ấu trĩ về luật lẫn chính trị, lại thủ đoạn phản dân chủ, ông
Chức cứ ngoan cố bình vực chế độ Ngô đình Diệm nên phản ứng bị điều
kiện hóa và chỉ làm thui chột, trì trệ trí óc mà thôi.