Dọc đường dân chúng biết bao,
Ruộng tình hữu ái như rào trận mưa.
Rồng Tiên cũng họ từ xưa,
Ba mươi năm mới bây giờ gặp nhau.
Nhân xem áo vải quần nâu,
Gái trai già trẻ một màu không hai,
Văn minh rày đã bán khai,
Mà đây còn hãy như đời Hùng Vương…
Quê tôi nghèo đến độ dân chúng bốn mùa chỉ bận quần nâu áo vải,
và chỉ trừ những ngày Tết, Lễ, được ăn cơm, còn thì phải trộn khoai mà ăn
với mắm cà rau muống suốt năm. Nhưng hình như Tạo hóa có luật thừa trừ:
đã bắt dân chúng đói nghèo, cực khổ thì bù lại họ có cái tiết tháo, thông
minh. Quê tôi tuy nghèo nhưng lại là một đại xã nổi tiếng về văn học, buổi
tiền triều khoa giáp rất đông. Làng Thổ Ngọa của tôi là một trong tám làng
của tỉnh Quảng Bình có nhiều người đỗ đạt, nhiều người làm quan, và cũng
nổi tiếng vì có nhiều vị khoa bảng làm quan nửa chừng rồi cởi áo từ quan về
làng sống cảnh an bần lạc đạo.
Có lẽ vì làng tôi có nhiều nhà Nho, nhiều bậc sĩ phu vốn trọng nền Tam
Giáo cho nên dân làng tôi không một ai cải đạo, mặc dầu phủ tôi vì gần với
căn cứ quân sự Pháp nên có nhiều làng theo đạo Công giáo hơn. Và có lẽ vì
thấm nhuần sâu đậm tư tưởng Khổng Mạnh, mang khí tiết, danh dự kẻ sĩ
cho nên đã một thời tuy ở rất gần nhiều đồn lính Tây và bị bao vây bởi
những làng theo đạo Công giáo mà vào những năm 1885, 1886 phần đông
dân làng tôi đều theo nghĩa quân Cần Vương dưới quyền lãnh đạo của vị
anh hùng Lê Trực. Ông đã biến làng tôi thành một tiền đồn trực tiếp đối đầu
với quân Pháp, che chở cho chiến khu của Vua Hàm Nghi trong rừng già
Thanh Lạng, vùng giáp giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Nội tổ của chúng tôi cũng đã từng theo đòi nghiên bút, theo đường khoa
danh như hồi ký của cháu tôi là Đại úy Đỗ Thọ, sĩ quan tùy viên của Tổng
Thống Diệm [10] đã trình bày; nhưng vì thời thế loạn ly, ông bỏ đèn sách
mà theo việc kiếm cung và trở thành viên tướng tiên phong cho vị lãnh tụ