Độ hơn 6 giờ sáng thì em tôi Đỗ Như Luận và cháu rể tôi là Đại úy Chu văn
Trung kéo Tiểu đoàn 1 Truyền tin và một phần của Lực lượng đặc biệt về bố
trí suốt dọc cánh trái dinh Độc Lập song song với đường Hồng Thập Tự.
(Sở dĩ Luận có thêm Lực lượng đặc biệt là vì Tiểu đoàn 1 truyền tin và Lực
lượng đặc biệt cùng ở chung một vị trí sau lưng Bộ Tổng tham mưu, chỉ
cách nhau một hàng rào kẽm gai; Luận rất thân với Tung mà Tung thì vắng
mặt). Còn Trung đoàn Thiết giáp ở Gò Vấp do Thiếu tá Thẩm Nghĩa Bôi chỉ
huy, khi nghe lệnh tôi, liền tức tốc đưa đơn vị lên đường. Khốn nỗi Bôi bị
Trung tá Vương văn Đông, lãnh tụ cuộc đảo chánh cùng với tướng Lê văn
Tỵ đích thân đến căn cứ của Trung đoàn khuyến dụ Bôi theo phe đảo chánh,
hai bên dằng co, cãi vã làm cho Bôi mất rất nhiều thì giờ. Đã thế khi đoàn
xe của Bôi đi ngang nhà Trung tướng Thái Quang Hoàng trên đường Ngô
Đình Khôi còn bị đơn vị Nhảy dù đóng ở đây (để bắt tướng Hoàng) cản trở,
làm cho Trung đoàn thiết giáp mãi tới 9 giờ sáng mới vào tới khuôn viên
dinh Độc Lập. Dù sao thì binh sĩ phòng vệ Phủ tổng thống cũng chặn đứng
được đợt tấn công đầu tiên của một tiểu đoàn Nhảy dù rồi, và giờ phút này
có thêm lực lượng hùng hậu của Thiết giáp, ông Diệm đã thấy vững tâm
hơn rất nhiều.
Tôi phải nói rõ ở đây rằng về phương diện quân sự, việc bảo vệ thủ đô do
Trung tướng Thái Quang Hoàng (hiện ở Mỹ) Tư lệnh Biệt khu Thủ đô phụ
trách. Dưới quyền điều động của ông chỉ có một Trung đoàn Bộ binh là
Trung đoàn 135. Nhưng Trung đoàn này còn phải lo canh gác nhiều nơi và
ông cũng không có một lực lượng trừ bị nào cả. Thủy quân Lục chiến và
Nhảy dù, những lực lượng mà trung tướng Hoàng có thể điều động được khi
thủ đô có biến, thì Thủy quân Lục chiến đã bận hành quân xa, còn Nhảy dù
thì lại đang là lực lượng “phản loạn”!
Trên kia đã nói về tinh thần quân đội thì quân nhân hầu hết đều bất mãn với
chế độ Diệm và sẵn sàng phát động hoặc tham dự đảo chánh bất cứ lúc nào,
cho nên ngay từ đầu năm 1960, tôi đã xin với Tổng thống Diệm phải đặt
Nguyễn Xuân Vinh và Đỗ Khắc Mai (hiện ở hải ngoại) chỉ huy Không quân
và Thẩm Nghĩa Bôi chỉ huy Trung đoàn Thiết giáp để nắm giữ lấy lực lượng