VIỆT NAM MÁU LỬA QUÊ HƯƠNG TÔI - Trang 509

đoàn tụ. Tôi đưa vợ Thi 2.000 đồng bạc và hẹn cứ mỗi tháng đến gặp tôi, tôi
xuất mật phí đưa cho 1.000 đồng. Nhưng vợ Thi không bao giờ trở lại cho
đến cuối năm 1963, sau khi chúng tôi lật đổ chế độ Diệm, Thi từ Nam Vang
trở về (như tất cả sĩ quan, chính khách tự ý lưu vong, hay bị tù đày ngoài
Côn Đảo) như những chiến sĩ hùng anh đã có công chống đối chế độ Diệm.
Nhưng khi Thi trở về quê cũ thì hỡi ơi, cảnh nhà Thi đã trâm gẫy bình rơi,
lạnh phím tơ đồng!
Thời thế đảo điên, quê hương nghiêng ngửa, chế độ Cần Lao tàn bạo và số
phận nghiệt ngã đã làm Thi tan nát cả cõi lòng. Nhưng rồi Thi đặt nặng
“việc diệt thù cứu nước”, gác mối sầu riêng, nhận lệnh lên đường chỉ huy
Sư đoàn I Bộ binh nơi tuyến đầu Quảng Trị.
Ngoài Thi ra, trong nhóm lãnh tụ đảo chánh, từ lâu tôi vẫn chú ý và cảm
mến những sĩ quan trẻ tuổi như Phạm văn Liễu, Phan Trọng Chinh và Phan
Lạc Tuyên, mặc dù tôi chưa hề tiếp xúc với họ. Liễu là đảng viên Đại Việt
đã từng học trường Võ Bị Yên Bái do Nhật Bản tổ chức năm 1945, đã từng
hoạt động cách mạng và trốn sang Tàu. Chinh là con một nhà cách mạng
thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng, từng chiến đấu chống cả Pháp lẫn Việt
Minh. Còn Phan Lạc Tuyên, viên sĩ quan trẻ tuổi này đã làm cho tôi khâm
phục vì những bài tham luận hoặc quan điểm của anh trên các tờ báo của
Nha Chiến tranh Tâm lý, những bài báo với nội dung sâu sắc và văn từ đầy
hào khí của một quân nhân nặng tình tự với quê hương dân tộc, lồng trong ý
chí sắt đá chống Cộng cứu nước. Cả ba là những sĩ quan cương trực, liêm
chính, nhưng Phan Lạc Tuyên thì đã trốn lên vùng Cao Đài theo Việt cộng.
Quyết định theo Việt cộng của Tuyên tuy nông nổi nhưng tôi không ngạc
nhiên, vì với một chế độ phản dân tộc và phản cách mạng như chế độ Ngô
Đình Diệm lúc bấy giờ thì con người đầy ắp tinh thần dân tộc và tâm chất
cách mạng như Tuyên làm sao không theo “giải phóng” được! Tôi cũng đã
đích thân mang ít quà bánh đến trại giam Lê văn Duyệt để tặng những sĩ
quan đang bị chính tôi giam giữ tại đó, tôi đã gặp mặt và có mấy lời thăm
hỏi Phan Trọng Chinh nhưng tôi không dám chuyện trò lâu dài với Chinh vì
chính tôi cũng sợ tai mắt Cần Lao, tuy là Giám đốc Nha An ninh Quân đội
(Thiếu tướng Phan Trọng Chinh hiện ở Mỹ).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.