cấp văn hóa nào nhưng ông ta là “chiến hữu” của tướng Trình Minh Thế đã
được Đại tá CIA Lansdale thuyết phục kéo quân từ chiến khu Bà Đen về
hợp tác với anh em ông Diệm từ thời 54-55. Thân phụ của ông Nghĩa là một
nhà nho có tinh thần cách mạng. Nếu chỉ có thế thì có lẽ đã không có dư
luận bàn tán, nhưng từ khi cởi áo cách mạng mang áo công hầu thì ông
Nghĩa có nhiều thành tích mà hàng công thần của nhà Ngô nhiều người
không có được. Giới báo chí và dân chúng thủ đô cho rằng ông lo việc bàn
đèn cho ông Nhu tại Sài Gòn cũng như một ông Thị trưởng lo bàn đèn cho
ông Nhu tại Đà Lạt mỗi khi ông Nhu đi săn bắn. Dư luận đó không biết có
đúng không, nhưng theo ông Nguyễn Đình Thuần kể lại cho nhiều người
Mỹ biết thì ông Nhu là người nghiện thuốc phiện [4]. Ông Nhu có cặp môi
xám đen như thường thấy nơi những người hút sách nghiện ngập, thường
đến chơi và thường ăn cơm tại nhà ông Nghĩa. Vì tôi cũng là một bạn quen
của ông Bộ trưởng họ Huỳnh nên thỉnh thoảng được mời đến ăn cơm với
ông Nhu, ông Thuần ở đấy. Nhưng chuyện mà các chính khách và các văn
nghệ sĩ ở Sài Gòn bàn tán nhiều là vào năm 1956, ông Nghĩa đã cho ra đời
một thi phẩm tựa đề là “Việt Nam Ngày Nay” để ca tụng Tổng thống Diệm
như một “vĩ nhân giữa đời, kết tinh ý trời và hồn sông núi” để trong phần
kết luận tác giả đã chiêm ngưỡng thần tượng do mình tạo nên bằng cách
“Cúi đầu lạy trước Cao dày, cùng nhau kể lể những ngày sau xưa”. Thi
phẩm quái đản này và việc lo bàn đèn cho ông Nhu chắc chắn đã đóng góp
vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Lao động mà ông Nghĩa đã nắm cho đến ngày
tàn của chế độ Ngô triều. Ông Nghĩa với tôi cũng có chút giao tình nên tôi
biết ông là người hiền hậu, xuề xòa không làm hại ai, không gây ân oán với
ai, nhưng tập thơ “Việt Nam Ngày Nay” của ông và việc ông lo bàn đèn cho
ông Nhu đã làm cho dư luận bàn tán nhiều về bản chất ưa nịnh bợ của anh
em ông Diệm.
Người ta chú ý đến ông Ngô Trọng Hiếu (hiện ở Mỹ) vì ông Hiếu làm Bộ
trưởng cho chính phủ “Cách mạng Nhân Vị” Việt Nam Cộng Hòa mà gốc
gác lại không phải là người Việt Nam. Mẹ ông là người Việt nhưng cụ thân
phụ của ông lại là người Phi Luật Tân có quốc tịch Pháp, và tuy ông sinh đẻ
ở Thủ Dầu Một nhưng lại theo quốc tịch cha. Ông đã từng học luật ở Pháp