ông không muốn làm cho Hoa Kỳ, vốn đang mạnh mẽ ủng hộ ông Diệm,
phải xúc động dẫn đến những phản ứng bất lợi hoặc những hệ quả tiêu cực
cho miền Nam.
Sau khi thất bại, ông Lực trốn về Biên Hòa, xuống tóc và bận áo nâu sòng
sống như một nhà tu hành ẩn nấp từ chùa này qua chùa khác, thỉnh thoảng
ông về thăm nhà và liên lạc với các đồng chí của tổ chức.
Tổ chức của ông Lực, theo kết quả điều tra của Nha tôi, chỉ gồm có gia đình
ông ta, một số đảng viên Việt Quốc như nhà báo tên tuổi Vũ Ngọc Các, giáo
sư Nguyễn Mậu, Trung úy Không quân Phan Ngô, và một số người khác.
Ngoài ra còn có ông Nguyễn Xuân Kỳ (hiện ở Mỹ), trưởng nam của bác sĩ
Nguyễn Xuân Chữ, linh mục Nguyễn văn Dũng ở Ba Ngòi và ông Phan
Xứng ở Đà Lạt. Linh mục Nguyễn văn Dũng và ông Phan Xứng là những
người đã từng hết lòng ủng hộ ông Diệm trong những năm đầu khi ông
Diệm mới cầm quyền. Riêng về phía Quân đội, ông Lực tổ chức những tiểu
tổ trong các đơn vị nhưng họ chỉ có nhiệm vụ sẵn sàng đợi cuộc ném bom
thành công là phát động phong trào binh sĩ nổi dậy hưởng ứng cuộc cách
mạng để vận dụng quân lực yểm trợ cho tổ chức.
Sau ngày ném bom độ một tuần lễ, về phía dân sự, nhân viên của Nha tôi
chỉ mới bắt giáo sư Nguyễn Mậu, ông Nguyễn Xuân Kỳ và vài người nữa
thì tôi được lệnh của ông Nhu phải bắt toàn thể gia đình của ông Lực về
giam giữ để làm con tin hầu có thể làm áp lực để bắt chánh phạm. Tôi bèn
phái đi bắt bà Lực, vợ con Trung úy Cử, Trung úy Đính, giam giữ tại Nha
An ninh Quân đội nhưng không bắt Đại úy Nguyễn văn Năng và tiểu gia
đình anh ta, vì tôi cố tình để cho gia đình ông Lực còn có người thân tự do ở
ngoài để lo lắng việc gia đình trong lúc toàn gia bị nằm trong vòng lao lý.
(Đại úy Năng là con trai trưởng của ông Lực lúc bấy giờ phục vụ tại Bộ
Tổng tham mưu, hiện sống tại Texas, Hoa Kỳ) Sau Cách mạng 1-11-63, gia
đình ông Lực trở về đoàn tụ, Đại úy Năng thường làm người liên lạc giữa
ông Lực và tôi lúc bấy giờ đã trở nên đôi bạn tri kỷ.
Mấy tháng trôi qua, tôi không bắt thêm ai nữa ngoại trừ những người đã kể,
chẳng những thế tôi còn trả tự do cho giáo sư Nguyễn Xuân Kỳ (anh ruột
Trung tá Nguyễn Xuân Phát hiện ở San José) vì khi nghiên cứu hồ sơ thấy