VIỆT NAM MÁU LỬA QUÊ HƯƠNG TÔI - Trang 55

Họ mượn câu hò để ghi lại một biến cố đau buồn của lịch sử và đồng thời
cũng để ký thác nỗi niềm tâm sự của mình. Nỗi niềm thương tiếc một nhà
vua yêu nước mà bị gian truân, một bậc trung thần can trường mà đầu rơi
máu chảy, tâm sự của một người dân nhìn đất nước suy vong mà chỉ biết
đưa câu mái đẩy để chạnh lòng nước non!
Họ lại càng trở nên chai lỳ hơn với những đổi thay của thời cuộc kể từ khi
vua Khải Định hành xử như một tên Việt gian vô trách nhiệm, chỉ biết cúi
đầu vâng dạ người Pháp để có cơ hội tiêu xài phung phí công quỹ. Từ đó về
sau, người dân Huế xem những buổi tế lễ ở đàn Nam Giao, những buổi thiết
triều trong Đại Nội với áo mão xênh xang, tiền hô hậu ủng cũng giống như
những xuất hát bộ trên sân khấu của rạp hát bà Tuần. Họ sống với hiện tại
nhưng lòng thì chỉ hoài niệm về quá khứ, một quá khứ mà quê hương còn
vắng bóng ngoại nhân đô hộ, còn có vua quan là minh quân. Vì vậy, việc
ông Diệm từ quan hay ông Quỳnh thắng thế không làm xúc động hay gây
được sôi nổi trong đời sống vốn rất trầm mặc của họ.
Mùa xuân năm 1942, khi những cơn sóng ngầm bắt đầu chuyển động trong
sinh hoạt chính trị của người Việt thì tôi được thuyên chuyển về Huế làm
huấn luyện viên các lớp Hạ sĩ quan. Đối với tôi, về Huế là về kinh đô của
quốc gia, là về với cung đài diễm lệ của trung tâm đất nước. Vì thuở thiếu
thời chỉ biết lũy tre làng và đồng ruộng khô, thời niên thiếu thì bận học
hành, lớn lên gia nhập quân đội chỉ biết kỷ luật thép và hàng rào sắt, nên khi
được đổi về Huế, tôi đã lợi dụng dịp này để ngao du khắp các ngõ ngách của
kinh thành.
Phong cảnh đất Thần kinh vừa u trầm cổ kính, vừa thơ mộng hữu tình rất
phù hợp với tinh thần vốn bảo thủ và nặng lòng hoài cổ của tôi. Những ngày
nghỉ lễ, tôi thường lang thang đi bộ viếng thăm những danh lam thắng cảnh
của kinh đô như hồ Tịnh Tâm, chùa Thiên Mụ, đàn Nam Giao, cửa Ngọ
Môn, thôn Vĩ Dạ, vườn Ngự Viên, cầu Bạch Hổ, núi Ngự Bình, chùa Diệu
Đế, làng Kim Long, trường Quốc Tử Giám... ở đâu và lúc nào, tôi cũng tìm
được những rung cảm tuyệt vời. Từ tiếng chuông thu không của những buổi
chiều bảng lãng đến tiếng hò não nùng trong sương mờ của buổi sáng sông

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.