cũng như ông Võ Như Nguyện (hiện đang sống tại Mỹ) đều biết là một
người tính tình ngay thẳng, cương nghị và có chí lớn. Vì nhà nghèo, nên sau
khi đỗ bằng Thành Chung, ông bèn thi vào ngạch Thư ký tòa Sứ để có
phương tiện sinh sống. Vừa mới có đứa con đầu lòng (sau này là cố Chuẩn
tướng Nguyễn Bá Liên) được 15 ngày thì vợ chết, ông rất buồn nên tìm
nguồn an ủi trong giáo lý của đạo Tin Lành. Thân phụ của ông là cụ Nguyễn
Bá Dĩnh, đỗ Cử nhân và được bổ làm Tri huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An.
Được mấy năm, chán cảnh quan trường, lại bất mãn vì triều đình bất lực
trước ngoại nhân, cụ từ quan về làng mở trường dạy học sống cảnh an bần
lạc đạo. Người con gái đầu của Cụ, tức là chị ruột của ông Nguyễn Bá Mưu,
lấy người con trai của cụ Cử Lưu Trọng Kiến ở huyện Bố Trạch, vốn là thân
phụ của hai thi sỹ Lưu Kỳ Linh và Lưu Trọng Lư, mà người em đã đi vào
lịch sử thi văn nước nhà với bốn câu thơ bất hủ [9]:
Em không nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô...
Còn thân phụ tôi tuy không đỗ đạt cao nhưng cũng có công dùi mài kinh sử
nên người trong huyện gọi là ông “Đầu Xứ”, còn chú tôi thì vào đến Tam
Trường mới hỏng cho nên nơi hương đẳng đình trung cũng được liệt vào
hàng những nhà Nho trọng vọng. Vì thế, cụ cử Nguyễn Bá Dĩnh và gia đình
tôi trở nên bằng hữu thân thiết trong khung cảnh của một làng quê nghèo
nàn nhưng nề nếp. Lạ gì thanh khí lẽ hằng, cụ Cử và cha chú tôi vốn là
những môn đồ Khổng Mạnh vào cái thời mà văn minh Tây phương đang
công phá những thành trì văn hóa và chính trị cuối cùng của nếp sống nho
phong, nên trở thành bạn tâm giao tri kỷ một cách dễ dàng, và cũng nhờ đó
mà hai nhà mới trở thành thông gia và tôi trở thành em rể của ông Nguyễn
Bá Mưu.
Một mặt nhờ giòng máu bất khuất của tổ tiên, mặt khác nhờ tấm gương sĩ
khí của nhạc gia và anh vợ, nhưng sâu sắc nhất là nhờ làm việc trực tiếp với
quân đội Pháp nên càng ngày tôi càng thấy rõ chính sách hà khắc và thâm