Cẩn vội xây ngôi nhà mát thật kiểu cách tại cửa Thuận An để hàng tuần ông
cùng nhiều người đẹp đến đó du hí. Vào những năm chót của chế độ, ông
Cẩn cho xây lăng và xây khu An Dưỡng tại Châu Ê là nơi phong cảnh hữu
tình của đất Cố Đô nằm về phía Tây thành phố Huế, ở bên kia dốc Nam
Giao, gần dòng tu Thiên Ân của Thiên Chúa giáo. Vùng đất rộng hơn mấy
chục mẫu này bị ông Cẩn cưỡng chiếm nguyên thuộc sở hữu của một người
miền Nam lấy vợ Huế và thích nghề săn bắn, sau đó ông Cẩn tịch thu luôn
cả đồn điền của ông ta và bắt Tiểu đoàn Công binh ở Huế xây dựng lăng
tẩm cho mình.
Theo hồi ký của sĩ quan tùy viên Đỗ Thọ, Tổng thống Diệm có đến thăm
lăng tẩm và khu An Dưỡng này của ông Cẩn. Thấy công trình xây cất quá
đồ sộ tốn kém đến cả trăm triệu bạc mà vẫn chưa hoàn thành, ông Diệm có
vẻ bực mình và trách ông Cẩn: “Làm chừng đó được rồi, sơ sài thôi, khi tôi
hết làm Tổng thống sẽ tính toán nữa. Chú xây cất to lớn dân di nghị. Quân
đội ngày đêm lo lắng nó oán”. Nhưng ông Cẩn vội nói lẫy ngay: “Các anh
sướng quá cho tôi hưởng tí xíu, lúc Mẹ không còn trên đời này, tôi không
cần chi nữa mà lo”. Thấy ông Cẩn đem mẹ ra làm bùa và đã tỏ vẻ giận,
Tổng thống Diệm im lặng nhìn cậu út Cẩn như phó mặc chú em muốn làm
gì thì làm...” [23].
Khốn nỗi, các bậc Quân Vương đời trước nhìn cái chết bằng đôi mắt của
nhà hiền triết theo thuyết “sống gửi thác về”, coi phú quý vinh hoa chỉ là
mộng ảo, coi danh vọng uy quyền chỉ là phù du, chỉ biết lo cho hạnh phúc
của bá tánh muôn dân mà mình chịu mệnh Trời chăn dắt. Cho nên khi mới
lên ngôi là đã theo tập tục “tức vị trị quan” vì nghĩ cái chết quan trọng hơn
cả ngai vàng điện ngọc. Còn ông Ngô Đình Cẩn lại noi gương loài bạo tàn
Kiệt Trụ xây nhà mát ở cửa Thuận An, khu An Dưỡng ở vùng Châu Ê là
muốn tái diễn cảnh Bá Lạc Đài mà biểu hiện rõ ràng nhất là câu ông Cẩn trả
lời với ông Diệm “các anh sướng lắm rồi” thì đủ thấy những người anh em
trong dòng họ Ngô Đình giàu sang và quyền uy đến mức độ nào! Và cũng
qua lời trách “cho tôi hưởng tí xíu”, ta lại càng thấy rõ hơn các tâm địa ghen
ghét, so đo, ham quyền ham lợi của ông Ngô Đình Cẩn, vị bạo chúa miền
Trung có túi tham không bao giờ đầy.