võ trang. Nhưng người trí thức trẻ tuổi đã dành cho tôi một sự kinh ngạc mà
suốt mấy năm làm trong cơ quan an ninh của chế độ Ngô Đình Diệm lần
đầu tiên mới gặp. Bích đã không tỏ vẻ sợ sệt, lại còn nặng lời đả kích chế độ
Diệm. Bằng một chuỗi dài những từ ngữ đanh thép như “gia đình trị, độc
tài, phong kiến, bất lực, kỳ thị, tham nhũng,...”, Bích buộc tội nhà Ngô để
biện minh cho hành động cất giữ số vũ khí bất hợp pháp. Nhìn bộ mặt cứng
rắn cương quyết, có vẻ quân nhân hơn là văn nhân, tôi khen thầm Bích gan
dạ, chẳng trách từ nhỏ đã theo anh hùng Trình Minh Thế làm cách mạng
chống cả thực dân Pháp lẫn Cộng Sản Việt. Tôi đang miên man suy nghĩ thì
Bích lại tìm cách tuyên truyền tôi để kết luận: “Số võ khí đó là để dùng vào
việc lật đổ nhà Ngô, tôi xin mời Đại tá tham dự vào cuộc đảo chánh của anh
em chúng tôi”. Đến đây thì từ kinh ngạc tôi trở thành có cảm tình với người
thanh niên trí thức dám “vuốt râu hùm”. Cảm tình đó đã làm tôi khó xử: tha
anh về lỡ ông Nhu biết được thì nguy, mà giam giữ rồi nếu anh bị hãm hại
hay bị truy tố ra Tòa thì tôi sẽ làm hại một người chiến sĩ dân tộc. Nghĩ vậy
nên tôi tìm kế hoãn binh để tìm một giải đáp thỏa đáng cho trường hợp của
Đinh Thạch Bích. Tôi cho giải Bích trở về phòng giam và ra lệnh cho nhân
viên thuộc quyền đối đãi thật tử tế và cung cấp thực phẩm thật đàng hoàng.
Trong khi đó, tôi cho niêm phong số vũ khí lại, không cho công an tìm biết
rồi tùy biến chuyển của thời cuộc mà quyết định trường hợp của anh sau.
Nhưng tình thế biến chuyển quá dồn dập và tôi không còn nhớ Bích được
trả tự do vào lúc nào, rồi bị công an bắt lại vào khi nào.
Ngoài ra, còn một nhóm các nhân vật đã bị bắt giữ tại cơ quan trung ương
của Nha mà tôi chỉ còn nhớ tên các ông Trần Thanh Bổng (em ruột luật sư
Trần Thanh Hiệp), luật sư Nguyễn Duy Quang, giáo sư Âu Trường Thanh,
luật sư Bùi Tường Chiểu (hiện ở Pháp),... Những vị giáo sư đại học, những
nhân vật tên tuổi thường bị ông Nhu để ý nhiều hơn nên tôi phải giữ họ lâu
hơn. Tôi nghĩ rằng những nhà trí thức này có tội gì với quốc gia đâu ngoài
thái độ bất mãn chế độ Diệm. Hôm nay, họ biểu hiện thái độ chống đối đó
một cách tích cực hơn vì chế độ đã độc tài quá trắng trợn và hiểm độc, và
nhất là vì lương tri của họ không còn cho phép họ im lặng trước cuộc đấu
tranh gian khổ của những con người bình dị như các thầy tu, anh em xích lô,