nhân lực hơn, ngay tại miền Nam, để thành lập những đơn vị chiến đấu lớn.
Thất bại nặng nề của Sư đoàn 13 tại Tây Ninh cuối năm 1960 đã là dấu hiệu
đầu tiên của sự lớn mạnh đó của Mặt Trận.
Hai ông Diệm–Nhu lẽ tất nhiên đã không xem Việt Cộng như những lực
lượng phiến loạn địa phương kiểu các giáo phái Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa
Hảo mà họ đã từng dẹp yên được, lại càng không xem đó như những lực
lượng võ trang quốc gia đối lập kiểu chiến khu Ba Lòng của Đại Việt hay
chiến khu Nam Ngãi của VNQDĐ mà họ đã từng tàn bạo tiêu diệt một cách
dễ dàng. Hai ông Diệm–Nhu đã từng thấy được tính cách trường kỳ dai
dẳng của Việt Minh thời chiến tranh Pháp–Việt, cũng như bắt đầu thoáng
thấy được sự vô hiệu của những chiến lược chống Cộng của họ từ nhiều
năm qua, thì hẳn họ cũng hiểu hơn ai hết là thời gian không đứng về phía
họ, nghĩa là trong cuộc chiến này, càng về dài thì địch càng mạnh họ càng
yếu. Cũng như càng về dài thì ngôi vị, danh vọng, quyền lực, và ngay cả
mạng sống của họ càng bị đe dọa mà thôi.
Cho nên thay vì nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho lực lượng chống Cộng
khác, hoặc cải tổ chính quyền và thay đổi chính sách để đáp ứng hữu hiệu
hơn với sự đe doạ đó thì hai ông Nhu–Diệm, sau này, khi cùng một lúc bị
những áp lực khác đè nặng, đã như con đà điểu chui đầu xuống cát, tìm cách
đầu hàng bằng sự thỏa hiệp với kẻ thù.
Trước khi trình bày nguyên nhân thứ ba, nguyên nhân mà tôi gọi là sự căng
thẳng trong mối bang giao Việt–Mỹ vào những năm đầu của thập niên 1960
khiến anh em Diệm–Nhu đã đi đến quyết định thỏa hiệp với Cộng Sản, tôi
xin được rất thực tế nêu lên một số biến cố lịch sử để, qua đó, cụ thể phân
tách một khía cạnh rất đặc thù về chính sách ngoại giao của Mỹ đối với các
đồng minh trong sách lược chống Cộng toàn cầu của họ.