VIỆT NAM MÁU LỬA QUÊ HƯƠNG TÔI - Trang 74

những người vừa thất bại sau một cuộc đấu tranh. Thành phố Đà Lạt chìm
xuống sau những rặng thông im lìm như chia xẻ nỗi thất vọng của chúng tôi.
Trước khi ngủ, ông Nguyễn Tấn Quê còn tâm sự với tôi rằng một khi Bảo
Đại đã tiếp tục cầm chính quyền để củng cố thế lực thì tổ chức khó có thể
thay đổi được tình hình, huống gì ông Diệm, người lãnh đạo của tổ chức lại
không phải là một loại nhân vật “anh hùng tạo thời thế”. Tôi còn nhớ mãi
mấy lời phê phán cuối cùng của ông như một tiếng than não nùng trong đêm
vắng: “Chúng ta đã vớ phải cái bè nứa mục rã trôi xuôi theo con nước lũ”.
Nhận định và tâm sự của ông Quê như vậy, chẳng trách gì mười năm sau,
ông đã bị anh em ông Diệm thẳng tay hạ sát khi họ có quyền lực trong tay.
Đến năm 1948, 1949 Nguyễn Tấn Quê còn nhắc lại những nhận xét trên cho
nhiều bạn bè. Trong số bạn bè đó có cả ông Võ Như Nguyện...
Mấy hôm sau, linh mục Huệ lấy xe đò đi Phan Rang để từ đó trở lại Sài
Gòn, ông Nguyễn Tấn Quê đáp xe lửa về Huế mang theo một lá thư riêng
của ông Diệm gởi về cho ông Ngô Đình Khôi, còn ông Diệm và tôi thì vẫn
ở lại Đà Lạt.
Ông Trần Văn Lý, quê ở Quảng Trị, có bà con với giám mục Lê Hữu Từ, là
một vị quan nổi tiếng liêm chính. (Khi ông làm Thủ hiến Trung Việt, người
em ruột của ông là Trần Văn Trình, chủ sự phòng Nội dịch, ngày chủ nhật
lấy xe Chính phủ về sử dụng riêng bị ông cất chức ngay, đối với các linh
mục hay đến xin xỏ, nhờ cậy, ông thẳng thắn từ chối). Ông Lý là người
thanh liêm, cương trực, có tinh thần yêu nước và có khả năng quản trị nên
được Chính phủ Trần Trọng Kim mời giữ chức Tổng đốc cai trị 4 miền cực
Nam Trung Việt như là một thứ Tiểu Khâm Sai. Chức vị của ông lúc bấy
giờ là “Tổng đốc Lâm-Đồng-Bình-Ninh” (bốn tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai,
Bình Thuận, và Ninh Thuận), và vì lúc bấy giờ phương tiện giao thông và
hệ thống liên lạc còn khó khăn cách trở nên ông được đại diện chính phủ
toàn quyền giải quyết cấp thời công việc quốc gia. Văn phòng Tổng đốc có
ông Nguyễn Đình Hàm (sau này có thời làm hiệu trưởng một trường trung
học tại Huế) giữ chức Tổng thư ký, ông Tham Tự làm chánh văn phòng và
nhà văn Võ Hồng vừa làm bí thư vừa làm thông dịch viên vì ông Võ Hồng
nói và viết thông thạo cả ba ngôn ngữ Pháp, Anh, Nhật.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.