nửa tháng rồi trở lại Huế cũng sinh hoạt với các đồng chí cũ dưới sự điều
hành của ông Ngô Đình Khôi. Tư dinh của ông Khôi tọa lạc tại tả ngạn sông
Phú Cam, là một dinh thự to lớn, huy hoàng và lộng lẫy như lâu đài của các
vị hầu tước Âu Châu. Mỗi khi họp, ông Khôi thường cho trải sáu tấm chiếu
cạp điều giữa phòng khách rộng lớn để mọi người cùng ngồi tròn quanh
ông, chẳng khác gì sòng sóc đĩa lớn tại các nhà phú hộ ở thôn quê. Trong
các buổi họp, ông Khôi thường nói nhiều, nói lưu loát và luôn luôn mềm
dẻo khi có mâu thuẫn về lý luận. Tuy tính tình của ông vui vẻ và hòa đồng,
nhưng ông vẫn được tiếng là người nhiều thủ đoạn nhất trong số chín anh
chị em.
Vào khoảng một tuần lễ sau khi nội các của cụ Trần Trọng Kim ra đời, ông
Nguyễn Tấn Quê và tôi được ông Khôi cử vào Sài Gòn để gặp ông Diệm và
để tổ chức cuộc đón tiếp Kỳ Ngoại Hầu mà ông Khôi tưởng sẽ trở về Việt
Nam. Ông Khôi còn trao cho chúng tôi một chiếc khăn đóng và một chiếc
áo gấm màu tím để ông Diệm mặc trong dịp nghênh đón nhà cách mạng đã
từng bôn ba nơi hải ngoại hơn 40 năm trời. Chúng tôi đến được nhà ông
Luyện ở số 2 đường Armand Rousseau tại Ngã Sáu Chợ Lớn, nơi ông Diệm
đang cư trú, sau một cuộc hành trình hết sức gian lao, nguy hiểm, vì trên
suốt chặng đường gần một ngàn cây số đó, nhất là đoạn ở miền Trung, phi
cơ Đồng Minh liên tiếp oanh tạc ngày đêm làm gián đoạn đường sá và làm
các toa xe lửa đổ ngổn ngang nhiều nơi.
Gặp lại ông Diệm sau hơn một năm trời mà tưởng như một khoảng thời gian
xa cách lâu lắm. Những thất bại chính trị và sự tan tác của tổ chức vì quá
nhiều nhân sự cốt cán bị tù đày đã làm cho chúng tôi sung sướng bàng
hoàng trong buổi hội ngộ này. Sau khi trình bày đầy đủ chi tiết các tin tức
liên quan đến tổ chức tại miền Trung, và sau khi trả lời cho ông Diệm biết
tình hình chính trị tại Huế, ông Nguyễn Tấn Quê còn cho biết là dọc đường,
trong một lần bị phi cơ Mỹ ném bom suýt nữa cả hai chúng tôi tan xác, hành
lý của chúng tôi, trong đó có cả khăn đóng và áo gấm của ông Khôi gởi vào,
đã bị thất lạc. Ông Diệm không tỏ vẻ trách móc gì, ông chỉ cười buồn chua
chát mà thôi.
Cũng tại ngôi nhà này, lần đầu tiên chúng tôi được gặp ông Ngô Đình