tác chân thành với Nhật chỉ là sự lập lại của một quy luật chính trị cổ điển
và sơ đẳng trong các tương quan quốc tế, nhất là tương quan giữa một trong
nhiều thế lực chính trị của một nước nhược tiểu với một cường quốc như
Nhật Bản. Thật vậy, Nhật Bản phản bội ba lần cùng một tổ chức Việt Nam
(trực tiếp hay gián tiếp do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để lãnh đạo):
- Năm 1909, trục xuất Kỳ Ngoại Hầu và cụ Phan Bội Châu sau khi họ ký
hiệp ước thân hữu với Pháp.
- Năm 1940, bắt giam và trao lại cho Pháp lực lượng Phục quốc quân của
chí sĩ Trần Trung Lập, Trần Huy Thanh và Hoàng Lương sau trận Lạng
Sơn.
- Năm 1945, bỏ rơi cụ Cường Để và ông Diệm để thừa nhận vua Bảo Đại
với Chính phủ Trần Trọng Kim, sau biến cố 9 tháng 3 năm 1945 đảo chánh
quân Pháp.
Quả thật ông Diệm và những mưu sĩ trong bộ tham mưu của ông đã không
học được hai bài học trước.
Sau thất bại chính trị nói trên, ông Ngô Đình Diệm buồn rầu chán nản vô
cùng, nhất là khi Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, hầu như ông không còn
nghị lực để tiếp tục cuộc đấu tranh nữa. Mang tâm trạng của người thất thế,
ông lui về sống cô đơn không tiếp xúc với ai nữa tại nhà người em là Ngô
Đình Luyện ở Chợ Lớn, hoặc thỉnh thoảng xuống thăm người anh là giám
mục Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long. Gia đình và tình anh em luôn luôn là
pháo đài kiên cố làm nơi nương dựa cho ông trong hoạn nạn cũng như trong
đắc thắng.
Trong lúc đó thì tại Huế, vì vấn đề liên lạc cách trở, thông tin chậm chạp,
người anh trưởng là ông Ngô Đình Khôi vẫn không nắm vững tình hình để
thấy rằng “lá bài Ngô Đình Diệm và giải pháp Cường Để” đã hoàn toàn bị
Nhật xóa bỏ, vẫn tiếp tục hoạt động chuẩn bị cho ngày về của ông Cường
Để và nội các của ông Diệm. Số đồng chí của ông Diệm, mà một số lớn đã
được phóng thích khỏi nhà giam Pháp nhờ cuộc đảo chánh của Nhật, vẫn
tiếp tục sinh hoạt tại nhà ông Khôi để đợi chờ ông Diệm.
Về phần tôi, sau khi cùng với các chính trị phạm khác ở trại tù Di Linh được
quân đội Nhật phóng thích, tôi bèn trở về quê cũ thăm gia đình làng xóm độ