Trong các lần thẩm vấn, tôi quyết định khai hết sự thật vì nghĩ rằng "vàng
thật sợ gì lửa đỏ", tôi là người thật tâm yêu nước, nếu có làm việc trong hệ
thống quân đội của Pháp thì chẳng qua cũng là vì thời thế bắt buộc, nếu có ở
trong hệ thống hành chính của Nhật thì chẳng qua cũng là vì hoàn cảnh,
miễn rằng tâm và chí của mình không thân Tây vọng Nhật. Duy có việc
tham gia một phong trào chống Pháp thì tôi cố càng dấu tổ chức của mình
càng nhiều càng tốt, nhất là danh tánh các đồng chí.
Lúc bấy giờ, tôi chưa biết Mặt Trận Việt Minh do đảng Cộng Sản chỉ đạo và
điều động mà chỉ biết họ như một tổ chức cách mạng lớn, cướp chánh
quyền để đánh đổ chế độ phong kiến, chống thực dân Pháp và phát xít Nhật
cho độc lập, tự do, hạnh phúc của toàn dân Việt Nam. Cho nên ở một mặt
nào đó, tuy bị giam cầm và tù ngục, tôi vẫn yên tâm và còn có ý trông chờ
ngày được họ phóng thích để trở về Huế. Quả nhiên, chỉ hơn một tuần lễ
sau, tôi được mời lên một văn phòng trông đàng hoàng hơn phòng lấy khẩu
cung thường lệ, và cho biết vì hồ sơ cá nhân của tôi sạch sẽ, tứ thân phụ
mẫu đều thuộc giai cấp nho sĩ vô sản, và hồ sơ binh sách của tôi bị phê là có
hoạt động chống Pháp nên tôi được họ thả với lời "yêu cầu" ở lại Đà Lạt
hợp tác với chính quyền cách mạng địa phương.
Tin tức Sài Gòn đưa về cho biết tình hình rất sôi động vì quân Pháp, sau khi
được quân đội Anh trao lại quyền quản trị, đã cấp tốc thiết lập các đơn vị tác
chiến để tái lập trật tự tại Sài Gòn và mở rộng vùng ảnh hưởng ra toàn bộ
Nam kỳ. Chính quyền Việt Minh tại Đà Lạt vội tổ chức khẩn cấp hai tiểu
đoàn Vệ Quốc Quân. Một tiểu đoàn được giao cho Nguyễn Lương, người
Quảng Ngãi, nguyên là thư ký toà Sứ Đà Lạt nhưng có lẽ đã tham gia Việt
Minh từ trước, chỉ huy ; và tiểu đoàn thứ hai được giao cho tôi điều khiển.
Trong tiểu đoàn thứ nhất này còn có ông Tôn Thất Đính làm uỷ viên chính
trị trung đội và ông Phạm Đăng Tải (ông Tải sau làm ở Bộ Ngoại giao thời
Đệ Nhất Cộng Hoà và hiện sống ở Monterey, Hoa Kỳ).