thế mới là Công” [49].
Lời giải thích quyết liệt và đầy đủ của học giả Trần Trọng Kim trong Nho
giáo phản ánh chính sách trị quốc dân chủ và bình đẳng trong triết lý
“thượng tôn pháp luật” của mọi quốc gia dưới mọi thời đại. Và học giả đó,
khi là sử gia viết cuốn “Việt Nam Sử Lược”, thì cũng đã trung thực và can
đảm ca ngợi nhà Tây Sơn dù khi viết ông đang sống dưới triều Khải Định,
Bảo Đại là hậu duệ của Nguyễn Gia Long. Tư cách đó có khác gì tư cách
của Tư Mã Thiên ngày xưa đâu!
“Đã có phép Công thì Thiên tử cũng không lấy quyền thế mà bỏ được”. Nhà
Nho Võ Như Nguyện nghĩ sao về lời dạy của thầy Mạnh Tử, đúng hay sai?
Ông Võ Như Nguyện thời trước 1975 còn ở quê nhà từng có lập trường
chống Cộng vững chắc, từng là chủ nhiệm báo Lòng Dân, từng viết tập
“Thế Nước Lòng Dân” gởi cho ông Diệm, từng hô hào chánh sách lấy dân
làm căn bản, lấy lòng dân làm vũ khí đấu tranh với Cộng Sản, thế mà ông
lại bênh vực cho một gia đình làm mất lòng dân mà chính ông cũng đã nặng
lời đả kích.
Đã thế, ông Nguyện còn mượn danh nghĩa của nhà đại cách mạng Phan Bội
Châu để tìm cách tô điểm cho ông Diệm: ông xác quyết chắc nịch với
Hương Giang Tư Mã (tức ông Thái Văn Kiểm) trong bài “Hoài Niệm Cụ
Phan Sào Nam” rằng bài thơ Gươm Đàn Nửa Gánh là của Cụ Phan làm ra
để đặc biệt tặng ông Diệm. (Cũng như Trung úy Nguyễn Minh Bảo viết
trong “Đời Một Tổng Thống” rằng bài thơ Ai biết trời Nam hãy có Người là
của cụ Phan sáng tác riêng tặng ông Diệm).