cao cả.
Tôi muốn nhắn hỏi ông Võ Như Nguyện (và cả ông Trần Văn Hướng, Trần
Văn Dĩnh) về cái chết của Đội Xứ, Đội Lộc, Quản Quế, Quản Cang, của
Tôn Thất Đạt trong tòa lãnh sự Nhật, của Nguyễn Văn Cẩn, Bửu Đà trong
sở Hiến binh Nhật, của anh Bảo tại Ba Tơ khi theo ông Diệm từ Sài Gòn ra
bị bắt tại Quảng Ngãi và cái chết của bao nhiêu người nữa rải rác khắp
Trung kỳ, nhất là anh em quân nhân, tất cả những người từng là chiến hữu
của ông Diệm và của chúng ta. Họ chết để tạo sự nghiệp, uy tín cho ông
Diệm trong bước đầu gian nguy phò tá Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, thế mà
sau khi anh em ông Diệm ngồi trên ngôi cao tuyệt đỉnh, bạc vàng như núi
như non, có khi nào họ đoái hoài nhớ thương đến vong hồn của những
người đó, ngay cả một lời hỏi han an ủi những vợ góa con côi của họ cũng
không có.
Các ông bênh vực nhà Ngô, tôi muốn hỏi các ông nhà Ngô có đạo đức
không, có nhân nghĩa không, có thủy chung không, hay chỉ là kẻ qua sông
chặt cầu?
Tôi không phải là nhà Nho như ông Diệm, ông Nguyện, ông Lý, nhưng nhờ
sự dạy dỗ của cha ông và nhờ trải nhiều cay đắng trong trường đời nên tôi
cũng biết được ý nghĩa chính trị và văn hóa của lời dạy Thánh Hiền: “Dân
vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Năm 1942, cũng vì tin vào thái độ
“cởi áo từ quan”, tin vào lý tưởng “vì dân” của ông Diệm nên tôi đã theo
ông hơn hai mươi năm trời, đã hết lòng trung thành và hoạt động với ông, vì
qua ông tôi ngỡ lý tưởng yêu nước yêu dân của mình được thành tựu. Trong
suốt chín, mười năm cầm quyền, chế độ của ông khinh thường nhân dân,
khủng bố đồng bào, đàn áp và tiêu diệt tôn giáo và đảng phái, giam cầm sát
hại người quốc gia yêu nước, kể cả bạn thân, đồng chí, ân nhân, công thần,