Hơn ai hết, ông Trần Văn Lý có đủ tư cách để lên án anh em họ Ngô mang
mười chữ “Bất”. Ông Diệm với ông Lý từng là đôi bạn chí thân từ ngày mới
vào quan trường, lại là đồng đạo và đồng hương (Bình Trị Thiên), cùng là
môn đệ của Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài. Ông Diệm và ông Lý cùng ở
trong Phong trào Cường Để; năm 1945, ông Diệm đã cùng sống với ông Lý
tại Đà Lạt một tháng sau khi bị Nhật Bản bỏ rơi. Năm 1947–1948, cùng qua
Hồng Kông xây dựng “Giải Pháp Bảo Đại”, cùng chủ trương thể chế “Quân
chủ lập hiến”. Thời làm Thủ hiến, ông Lý đã từng giúp đỡ bạc tiền cho anh
em ông Diệm hoạt động chính trị, ngày ông Diệm mới cầm quyền, ông Lý
bị ông Ngô Đình Cẩn cho bộ hạ ném lựu đạn vào nhà khi ông còn ở gần nhà
ga Huế, đến năm 1960 bị anh em ông Diệm bắt giam vì đã ở trong nhóm
“Caravelle”.
Người ta có thể chê ông Lý là bảo thủ, là thiếu khả năng làm một vị nguyên
thủ quốc gia, nhưng những ai đã từng biết ông Lý đều phải ca ngợi ông là
một nhân vật liêm chính, cương trực và đầy lòng yêu nước. Chính phủ Trần
Trọng Kim trọng vọng ông như đã trọng vọng các Cụ Nguyễn Trác ở Thanh
Hóa, Cụ Đặng Văn Hướng ở Nghệ An, ông Lê Văn Sâm (Cao Đài) nên mới
mời ông giữ chức Tổng Đốc bốn tỉnh miền cực Nam Trung–Việt như một
thứ tiểu Khâm sai trong lúc đại đa số quan lại bị thải thồi. Ngày Cách mạng
1–11–63 thành công, ông được tướng lãnh mời vào Hội Đồng Nhân Sĩ
nhưng ông từ chối vì ông đòi hỏi thành lập “Hội Đồng Quân Dân Cách
Mạng” thay cho “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng”. Ngày tướng Khánh
làm Thủ tướng mời ông giữ chức Đại sứ tại Rome, ông cũng từ chối dù ông
rất nghèo, sống trong một căn nhà thuê giản dị ở Tân Định. Ngày ông làm
Thủ Hiến, ông trừng trị em ruột vì tội dĩ công vi tư, lấy xe chính phủ về sử
dụng riêng trong ngày chủ nhật. Dù là người Công giáo, ông vẫn không
bênh vực các linh mục, ông gọi các linh mục thường hay đến công sở để
quấy rầy là các “ông quan”.