VIỆT NAM MÁU LỬA QUÊ HƯƠNG TÔI - Trang 864

Tôi khen thầm quả thật ông Thảo là tay tình báo giỏi mới biết được tâm địa
và hành động bí mật của mình, tuy nhiên tôi vẫn phải giả vờ tỏ thái độ trung
lập: “Các anh muốn làm gì thì làm, tôi không chống các anh cũng không
phản cụ Diệm”. Sở dĩ tôi phải nói thế vì cần phải kiểm chứng lại với tướng
Khiêm trước khi thật sự liên hệ với ông Thảo. Mấy ngày sau, tướng Đôn lại
gọi tôi đến Bộ Tổng Tham mưu và cho biết tướng lãnh không đồng ý với tôi
về việc giữ ông Diệm tại Đà Lạt vì sợ những bất trắc có thể xảy ra. Tôi
tranh luận một hồi nhưng không thay đổi được quyết định của tổ chức nên
đành nhượng bộ: “Nếu vậy thì đem ông ta ra Côn Đảo một thời gian và đem
một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến ra canh giữ rồi sau khi tân chánh phủ
thành lập sẽ cho ông ta ra đi”. Ông Đôn đồng ý và hứa sẽ đề nghị lại với anh
em. Trong cuộc gặp gỡ lần này, ông Đôn khuyến cáo tôi phải hết sức cẩn
thận đối với những cố vấn quân sự Hoa Kỳ và nhân viên CIA, vì theo ông
thì tướng Harkins và nhân viên của Richardson (Giám đốc CIA tại Việt
Nam) đang ủng hộ ông Diệm và ông Nhu. Tướng Đôn cũng bảo tôi từ nay
ông và tôi chỉ liên lạc bằng điện thoại và chỉ dùng một số mật ngữ để trao
đổi tin tức. Đặc biệt về ngày giờ phát động, ông sẽ cho biết sau.
Ở đây tôi xin dành vài dòng nói về tướng Trần Văn Đôn, người được xem là
bộ óc của cuộc chính biến 1–11–63. Tướng Đôn sinh tại Pháp nhưng nhà
thờ họ, mồ mả tổ tiên, ruộng vườn tài sản đều ở tại miền Nam. Tuy ông đã
từng mang quốc tịch Pháp nhưng gia đình lại thấm nhuần nền đạo lý Tam
giáo. Trong những giao tế bên ngoài, Trần Văn Đôn là người văn minh lịch
thiệp kiểu Âu–Mỹ, nhưng trong sinh hoạt gia đình ông vẫn theo nề nếp
Đông phương, theo nghi lễ dân tộc. Một lần tôi đến thăm ông tại nhà bỗng
gặp bà Đôn dạy học ở Đà Lạt về nghỉ cuối tuần. Vừa bước vào phòng
khách, bà Đôn vội nghiêm trang chào khách và chào chồng rồi đến ngay bàn
thờ gia tiên thắp hương vái chào, sau đó mới về phòng riêng. Lễ táng bà cụ
sau này, anh em gia đình tướng Đôn theo nghi lễ trong sách “Thọ Mai gia
lễ” cho đúng với phong hóa, tập tục cổ truyền. Trước kia, tôi thường có
thành kiến cho rằng tướng Đôn là một thứ “Tây con”, nhưng từ ngày nhiều
lần chứng kiến được cung cách và nếp sống gia đình của ông, tôi càng kính
mến ông ta nhiều hơn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.