lõi. Cho nên Huế đã giữ đúng vai trò trọng yếu trong sự phát huy quốc học
nói chung và Phật học nói riêng. Thử kiểm điểm những bia miếu, liệt kê
trong những ngôi chùa, thử làm một danh bản những bậc cao tăng, ghi lại
những nhọc nhằn đau đớn mà dân tộc đã gánh chịu, những hân hoan kiêu
dũng của một kinh đô giữa lòng đất mẹ, thì ta sẽ thấy ngay một bức tranh
sinh động về văn hoá và tinh thần của dân tộc Việt Nam. Vì quen nghĩ đến
Huế như một biểu tượng bình lặng, khuất chìm trong cuộc sống nên ít người
biết rằng dưới cái lớp vỏ u hoài cô tịch của xứ Huế, có một sức sống mãnh
liệt, dạt dào đang luôn sôi sục để nếu có một cơ hội là vùng lên phát huy,
tung nở đoá hoa dân tộc. Những biến cố lịch sử cận đại cũng đủ để chứng
minh điều đó rồi.
Sau những mùa chiến chinh ly loạn với bao thay đổi đoạn trường, những lá
cờ cũng thay hình biến dạng đổi màu từ cờ Long Tinh qua cờ Quẻ Ly, rồi từ
cờ đỏ sao vàng biến thành cờ tam tài xanh trắng đỏ cho phù hợp với những
đổi thay phông cảnh, đào kép trên sân khấu chính trị. Riêng dân Việt Nam,
tôi muốn nói đến những người Việt quốc gia chống Cộng phải chấp nhận
thế đứng đớn đau ở bên này chiến tuyến, quả thật đã hoàn toàn tuyệt vọng vì
có chính nghĩa mà không làm sáng bùng lên chính nghĩa đó khi (vì lý do
này hay lý do khác, dưới hình thức này hay hình thức khác) phải cùng với
người Pháp bảo vệ những mảnh đất quê hương còn tự do. Cho nên sự trở về
của vua Bảo Đại, với sự ra đời của lá cờ vàng ba sọc đỏ như một biểu tượng
hồi sinh mới, đã tượng trưng cho một niềm hy vọng.
Đồng ý là vua Bảo Đại đã có thời gian là một vị vua bù nhìn, sống cuộc đời
thụ hưởng ở quê người. Nhưng năm 1948, sau những vận động ngoại giao
khôn khéo trong những điều kiện khó khăn nhất của một kẻ mất đất mất
dân, yếu thế, ông đã thành công trong nỗ lực tiến lên một bước, một bước
đầu tuy ngắn nhỏ nhưng cơ bản, để đặt nền móng cho chế độ gọi là quốc gia
sau này. Một ông vua đã lột xác, đã thức tỉnh để giữ đúng và giữ trọn tinh
thần của lời tuyên bố bốn năm trước rằng: