Sự phân chia quyền lực giữa ba anh em Tây Sơn, những bất hòa nội bộ tiếp
theo đó cũng là những hậu quả của chủ nghĩa phong kiến đó. Bộ máy cai trị
của Tây Sơn chỉ là tiếp tục bộ máy của những triều đại cũ với cùng những
phương pháp cai trị cũ. Nguyễn Huệ qua đời, những cải cách đầu tiên đã
phát huy hết tác dụng của chúng, triều đại mới nhanh chóng mất dần uy tín
của mình. Các đại địa chủ của tỉnh Gia Định rồi đến các tỉnh khác ủng hộ
Nguyễn Ánh, rốt cuộc đã lật đổ được nhà Tây Sơn để khôi phục chế độ
phong kiến. Như vậy là nhờ những chiến thắng lớn do có thiên tài Nguyễn
Huệ, tình trạng chia cắt Bắc Nam được xóa bỏ, các cuộc xâm lược của quân
Xiêm và quân Thanh bị đẩy lùi. Thế nhưng, cái gia tài một đất nước thống
nhất và độc lập có chủ quyền, sau cái chết của vị anh hùng, lại rơi vào tay
địch thủ của ông ta là Nguyễn Ánh; ông ta lên ngôi năm 1802, sáng lập ra
triều đại nhà Nguyễn, lấy tên hiệu là Gia Long.
Gia Long đóng đô ở Huế, thiết lập một chế độ quân chủ độc đoán với
một bộ máy quan lại được tuyển lựa bằng thi cử, chọn đạo Khổng làm quốc
giáo với những quy chế bảo thủ nhất và hình thức chủ nghĩa nhất. Các vua
Nguyễn cho xây dựng hoàng thành và những lăng tẩm đại quy mô tại Huế
và các vùng phụ cận. Công cuộc khai thác đồng bằng sông Mê Kông được
tích cực tiến hành, thể hiện rõ nhất ở việc đào những con kênh lớn.
Tuy nhiên, chế độ đã không giải quyết được bất cứ một vấn đề lớn nào
của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ vẫn thường xuyên bị khủng hoảng. Nông
dân và các dân tộc thiểu số vẫn cứ liên tục nổi dậy, thương nghiệp vẫn bị
bạc đãi, bộ máy quan lại thực sự bóp chết mọi ý đồ mong manh của tầng
lớp thương nhân muốn phát triển lên.
Ngoại thương nằm trong tay độc quyền của Nhà nước, mà Nhà nước
cũng chỉ bằng lòng với việc đặt mua hàng của những lái buôn người Trung
Quốc và nước ngoài khác.