thừa hưởng truyền thống lâu đời đấu tranh vì độc lập dân tộc, đã tiến hành
một cuộc kháng chiến quyết liệt. Trong khi quân đội của triều đình chỉ
chống cự yếu ớt thì trái lại, cuộc kháng chiến của các lực lượng nhân dân
mạnh mẽ và liên tục, buộc đế quốc Pháp phải tiến hành một cuộc chiến
tranh kéo dài và tốn kém. Tuy nhiên, sự vô trách nhiệm của triều đình, lực
lượng duy nhất lúc bấy giờ có thể đảm đương vai trò lãnh đạo trên quy mô
cả nước, đã phá hủy mọi cố gắng của những người yêu nước Việt Nam.
Bọn thực dân Pháp áp dụng một chiến thuật đặc biệt khôn ngoan. Chúng
bắt đầu bằng cách tìm một chỗ đứng chân trên lãnh thổ Việt Nam, mà triều
đình Huế đã buộc phải nhường cho chúng thông qua một hiệp ước được ký
kết rất đúng quy cách. Thế là kẻ xâm lược đã sở hữu một căn cứ xuất phát,
từ đó chuẩn bị những cuộc thôn tính mới và có thời gian tạm nghỉ để tranh
thủ dẹp yên những vụ phản kháng của nhân dân bùng lên trên các vùng
lãnh thổ bị chiếm đóng. Tiếp đó, chúng vi phạm hiệp ước, lại tiến hành xâm
lược. Triều đình Huế lại nhân nhượng, lại có hiệp ước mới, vi phạm mới,
chinh phục mới. Cứ thế, kịch bản diễn đi diễn lại cho đến khi đất nước bị
thôn tính hoàn toàn.
Chế độ quân chủ trượt dài từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, rút
cuộc là sự đầu hàng và phản bội. Nhà vua và các đại thần đã chọn con
đường bán rẻ nền độc lập dân tộc để giữ lấy một vài thứ đặc quyền đặc lợi
mà kẻ binh phục hạ cố bố thí nhằm mua chuộc lòng trung thành của họ. Từ
chỗ là những người mang sứ mệnh giữ gìn nền độc lập và danh dự của dân
tộc, họ dần dần trở thành tay sai phục vụ ngoại bang trong việc đàn áp
phong trào yêu nước của nhân dân. Triều đình Huế đã tìm kiếm sự ủng hộ
từ phía đế quốc Trưng Hoa, nhưng họ cũng đang trong bước suy tàn và
đang phải chống chọi những cuộc xâm lược của phương Tây nên không thể
làm chệch hướng đi của thời cuộc.