Chính quyền thuộc địa đặc biệt chú ý lồng ý đồ chính trị vào tầng lớp
thanh niên, khi họ tham gia những tổ chức thể thao, những tập hợp bán
quân sự hoặc tổ chức hướng đạo. Chúng cho phép công chức được chơi thể
thao vào chiều thứ bảy hàng tuần, ban cho họ một vài thứ lợi lộc, tăng thêm
lương và trợ cấp, chuyển một số sang ngạch Tây.
Chúng còn cho phép thanh niên và công chức được nói đến ''tinh thần
yêu nước'' với điều kiện đấy là thứ ''yêu nước bản xứ'' nằm trong khuôn khổ
sự trung thành đối với nước Pháp.
Tất cả những biện pháp đó không mảy may thay đổi thực chất chính sách
của Pháp là hoàn toàn phục tùng kẻ chiếm đóng Nhật Bản và đàn áp tàn
bạo phong trào dân tộc Việt Nam.
Người Pháp phải chịu để cho quân đội Nhật Bản kéo vào Bắc Kỳ, rồi lại
phải chịu nhượng 70.000 km2 lãnh thổ Campuchia cho Thái Lan, đồng
minh của Nhật Bản. Hiệp ước gọi là “phòng thủ chung” được ký ngày 9-
12-1944, thực chất là sự thừa nhận cho Nhật Bản chiếm đóng toàn bộ Đông
Dương. Từ đấy, Đông Dương trở thành một căn cứ quân sự của Nhật và là
nơi cung cấp nguyên liệu cho nền kinh tế nhật Bản.
Trước hết, chính quyền thuộc địa ra sức tiếp tế gạo cho Nhật Bản:
585.000 tấn năm 1941, 973.000 tấn năm 1942, 1.023.000 tấn năm 1943,
900.000 tấn năm 1944. Lúc đầu Nhật trả bằng vàng hoặc bằng hàng công
nghiệp, nhưng rồi dự trữ của Nhật cạn đi nhanh chóng và từ tháng 12 năm
1942, Nhật trả bằng đồng ''yên đặc biệt'', tức là một thứ tín phiếu quân sự
hoàn toàn vô giá trị.
Thực ra, để trang trải những chi phí của quân đội Nhật chính quyền thực
dân đã cung cấp tiền bằng cách cho in rất nhiều giấy bạc ngân hàng: 723
triệu đồng Đông Dương, tức là gấp 7 lần ngân sách Đông Dương năm
1939. Năm 1944, khối tiền tệ lưu thông lên đến 1.052 triệu đồng(năm 1939
là 216 triệu). Giá cả cứ theo đó mà tăng.
Chính quyền thuộc địa vơ vét một loạt sản phẩm: xi măng, đay, đường,
dầu nhờn, than... để đáp ứng nhu cầu của người Nhật và cũng nhằm thiết